Singapore kêu gọi thay đổi tư duy về giáo dục

GD&TĐ - Tại Hội nghị Bồi dưỡng, Đào tạo Dạy nghề và Kỹ thuật quốc tế diễn ra 3 năm một lần, vừa được chính phủ Singapore tổ chức, Bộ trưởng Giáo dục nước này, ông Ong Ye Kung nhấn mạnh cốt lõi của mọi vấn đề là niềm đam mê và rằng thế hệ trẻ của quốc đảo sẽ cần cả kiến thức lẫn kỹ năng để phát triển mạnh mẽ.  

Bộ trưởng Giáo dục Singapore, ông Ong Ye Kung
Bộ trưởng Giáo dục Singapore, ông Ong Ye Kung

Học mọi điều có thể để phục vụ công việc

Quan điểm này của ông Ong Ye Kung nhấn mạnh vào những thay đổi cơ bản đối với thực tế giáo dục Singapore trong những năm gần đây - sự nâng cao trình độ cho người trưởng thành, công tác tuyển sinh của các nhà trường dựa trên năng khiếu và thậm chí là giảm bớt sự phụ thuộc vào các kỳ thi. Hướng đi này nhằm ngăn chặn nguy cơ “máy tính và robot thay thế người Singapore” - theo Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung.

Nhấn mạnh về thế giới kết nối, ông Ong đã đề cập đến phong trào SkillsFuture, vốn ra mắt vào năm 2015, nơi các trường được mở rộng, chú trọng vào giáo dục đại học và những ngành học dành cho người lớn để hướng tới việc chuẩn bị sẵn cho những thay đổi cho tương lai của xã hội.

“Phong trào SkillsFuture (có thể hiểu là “hướng tới tương lai”) không chỉ là thúc đẩy nghề nghiệp hay công việc kỹ thuật”, ông Ong nói tại Hội nghị Bồi dưỡng, Đào tạo Dạy nghề và Kỹ thuật Quốc tế

Singapore diễn ra hôm 3/10. Theo ông, điều này có nghĩa là thay vào việc chỉ chú trọng thúc đẩy hai vấn đề trên, phải gợi mở để người Singapore thấy rằng, họ phải vượt ra ngoài trình độ học vấn và trang bị nhiều thêm những kỹ năng đối với lĩnh vực công việc hay chuyên môn của họ.

“Nói chung, tất cả những sự vận động của xã hội hiện nay đang thay đổi cách chúng ta chuẩn bị cho người Singapore trong tương lai” - ông Ong nhấn mạnh.

Cho rằng trong bối cảnh hiện nay, ranh giới giữa trình độ được đào tạo và kỹ năng lao động đã bị xóa mờ, ông Ong lưu ý ngay cả các học giả bây giờ cũng cần kỹ năng để mang lại những hiệu quả nghiên cứu; còn các thợ thủ công cũng phải có hiểu biết sâu rộng và trang bị khoa học kỹ thuật để làm tốt hơn công việc của họ.

“Nó không phải là một hệ thống hai đường truyền thống, với một con đường học tập và một con đường nghề nghiệp, mà là một hệ thống đa đường”, người đứng đầu ngành Giáo dục của quốc đảo sư tử nhấn mạnh; đồng thời gợi mở rằng sự thay đổi trong suy nghĩ này có nghĩa là các kiến thức bậc cao được trang bị thông qua học tập sẽ trở thành tài nguyên suốt đời đối với thế hệ trẻ, trong khi việc không ngừng tiếp cận và bồi dưỡng các kiến thức mới lại giúp người lớn nâng cấp các kỹ năng lao động của họ, để luôn đáp ứng được các yêu cầu vốn liên tục thay đổi và đòi hỏi ngày càng lớn trong công việc.

Bắt đầu từ sự tự nhận thức của mỗi cá nhân

Theo số liệu của Bộ Giáo dục, hiện có khoảng 370.000 trong số 2,6 triệu người Singapore trong độ tuổi đi học đủ điều kiện đã sử dụng tín chỉ Skills Future nhằm tham dự các khóa đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp. Ông Ong Ye Kung hy vọng rằng, các trung tâm đào tạo có tính phí sẽ không sớm kết thúc việc triển khai các khâu đánh giá điều kiện, tương tự như các kỳ kiểm tra học phần đối với sinh viên, để bù đắp vào quá trình đánh giá khả năng đạt được của người học.

Các kỳ thi trong những trung tâm bồi dưỡng, đào tạo nghề và kỹ năng sẽ dần bị loại bỏ, nhưng ông Ong khuyên các bậc cha mẹ không nên lo lắng vì điều này, khi mà khối lượng thời gian đào tạo ngày càng cao hơn, kèm theo những đòi hỏi cũng lớn hơn. Từ năm 2015 - 2017, tổng số giờ đào tạo cho người học trưởng thành tại các trung tâm như vậy đã tăng 55%, từ 26,5 triệu lên 41 triệu giờ. Tỷ lệ tham gia đào tạo cho lực lượng lao động cư trú tăng từ 35% lên 48% trong cùng một khoảng thời gian.

“Vấn đề cốt lõi của phong trào SkillsFuture là niềm đam mê”, ông Ong nói, “Khi có đam mê, một người có thể thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất, theo hướng chính họ không ngờ tới; hoặc sẽ tham gia được vào một lĩnh vực mà lâu nay bản thân họ vẫn cho rằng mình không đủ khả năng. Cốt lõi là có đam mê để theo đến cùng hay không”.

Tất nhiên, ông Ong cũng nói rõ niềm đam mê này phải được nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ. Đó là lý do tại sao trường học ở Singapore đã dần tiết giảm các kỳ thi, nhằm tạo thêm thời gian cho học sinh học tập và tìm ra hướng đi cho cuộc đời mình, theo hướng bản thân mong mỏi nhất.

“Hệ thống giáo dục của chúng ta cần tập trung vào các nguyên tắc cơ bản, như giá trị, đọc, viết và Toán... và tạo ra những bài học theo cách khuyến khích sự tò mò và kỳ diệu ở lớp trẻ. Phải làm cho họ tự nhận thức được niềm yêu thích và năng lực của bản thân, nó sẽ hiện lên trong đôi mắt của họ… Do đó, các trường học có nhiệm vụ đặt nền móng cho SkillsFuture và học tập suốt đời”, Ong cho biết.

Để ưu tiên cho những người đam mê học tập và trau dồi kỹ năng, Bộ Giáo dục đã giới thiệu Bài tập tuyển sinh sớm (EAE) vào năm 2016 để cho phép sinh viên có thể nhập học có điều kiện vào khóa học dựa trên khả năng và tài năng của họ, ngay cả trước kỳ thi cuối khóa. Số lượng kỷ lục 13.900 đơn xin EAE đã được nhận cho năm học 2018 - 2019, cao hơn 13% so với năm trước. Việc ghi danh dự kiến cuối cùng thông qua EAE vào năm tới sẽ vào khoảng 4.600, hoặc 20% tổng số nhập học, tăng từ khoảng 15% so với hiện nay.
Theo Straitstimes.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ