“Siêu thực phẩm” từ trái bao báp

GD&TĐ - Từ trước cả khi mặt trời mọc, bà Annah Muvhali 54 tuổi đã đi giữa những tán cây bao báp khổng lồ phủ trên ngôi nhà vùng nông thôn Nam Phi của mình để hái loại quả mà bao người trên thế giới này đang ca ngợi là “siêu thực phẩm”.  

Những người phụ nữ tại làng Muswodi Dipeni thuộc tỉnh Limpopo (Nam Phi) đang thu lượm thành quả của mình khi chăm sóc cây bao báp
Những người phụ nữ tại làng Muswodi Dipeni thuộc tỉnh Limpopo (Nam Phi) đang thu lượm thành quả của mình khi chăm sóc cây bao báp

Khoảng 1.000 phụ nữ tại làng Muswodi Dipeni thuộc tỉnh Limpopo nằm phía cực Bắc của Nam Phi kiếm sống bằng việc thu hoạch các trái bao báp sần sùi, vỏ cứng. Bột và hạt nằm đằng sau lớp vỏ cứng đã trở thành cơn sốt mới trong ngành thực phẩm dinh dưỡng toàn cầu và được ca ngợi vì hàm lượng dinh dưỡng, vitamin có trong nó và hiện đang được sử dụng trong mọi sản phẩm, từ soda có hương vị, kem, sô cô la tới rượu gin và mỹ phẩm.

Bà Muvhali cho biết: “Trước đây, tôi chưa từng biết bao báp có giá trị đến như vậy. Tôi và gia đình thường ăn quả bao báp đơn giản chỉ vì nó có thể nấu thành món cháo đặc nhìn giống sữa chua vô cùng thơm ngon và bổ dưỡng. Tôi luôn nấu bao báp cho các cháu của tôi khi chúng có vấn đề về đường ruột”.

Được biết đến tại địa phương như “người bảo hộ của bao báp”, những người phụ nữ giống bà Muvhali trồng và nuôi dưỡng mầm cây bao báp tại vườn của họ và kiếm được thu nhập từ mỗi centimet cây mọc. Bắt đầu từ năm 2006, người bà của 5 đứa cháu đã xây dựng được ngôi nhà cho 2 người con và các cháu bằng thu nhập kiếm từ công việc này.

Elisa Phaswana, 59 tuổi đang nuôi dưỡng 1 cây bao báp non cao chừng 1 mét được bảo vệ khỏi dê bằng hàng rào tạm thời trong vòng 2 năm qua. Bà cho biết chương trình “Người bảo hộ bao báp” đã cải thiện tình trạng nghèo khó trong cộng đồng. “Nó tốt cho môi trường và tốt cho chúng tôi một cách đặc biệt vì gần như không có việc gì chúng tôi và con cái có thể làm để kiếm tiền ở ngôi làng này. Tôi kiếm được khoảng 21 USD cho mỗi centimet trồng được”.

Sarah Venter, 1 nhà sinh thái học điều hành Công ty Ecoproducts đứng sau chương trình này cho biết, khen thưởng được trao tới những người phụ nữ vì kỹ năng và sự chăm sóc nhiệt tình của họ.

Theo ý kiến của Venter: “Nếu chúng ta đủ may mắn để ngành siêu thực phẩm này đạt tới thời điểm mà cầu vượt quá cung, giá trị của sản phẩm sẽ tăng lên và các nhà sản xuất vùng nông thôn sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn”. Venter cho biết nhu cầu bột bao báp đã tăng vọt mỗi năm kể từ năm 2013, với châu Âu, Mỹ và Canada là các thị trường tiêu thụ lớn nhất. Ước tính của Liên minh Bao báp châu Phi cho thấy, xuất khẩu bột bao báp đã tăng lên 450 tấn trong năm 2017.

Baobab Foods, nhà phân phối và cung cấp hàng đầu đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong nhu cầu về các sản phẩm từ bao báp ở những năm gần đây. “Trong năm 2018 chỉ riêng Mỹ đã nhập khẩu số lượng bột bao báp của chúng tôi nhiều gấp đôi so với thường niên” - theo báo cáo của Baobab Foods.

Cây bao báp có thể mất đến 200 năm để ra quả, nhưng tưới tiêu mỗi ngày có thể giảm quá trình này xuống còn 30 năm. Một cây sau đó có thể sản xuất quả thường niên trong gần 200 năm.

Giáo sư Jean Francois Sobiecki, nhà dinh dưỡng và thực vật dân tộc học đến từ ĐH Johannesburg (Nam Phi) lý giải: “Bao báp là một trong những loại quả có hàm lượng vitamin C cao nhất. Chúng còn có chất chống oxy hóa tự nhiên, một số loại vitamin E và nhiều hợp chất thực vật khác nhau có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa. Nó là sự kết hợp tuyệt vời của nhiều loại vitamin tự nhiên, chất chống oxy hóa, protein và các chất chữa bệnh, xứng đáng được gọi là siêu thực phẩm đáng kinh ngạc”.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ