Mẫu pin này có khả năng chứa lượng điện lớn, đồng thời lại hoạt động rất bền bỉ. Sau khi sạc khoảng 30.000 lần thì pin vẫn như mới. Nó bền hơn 20 lần so với pin lithium-ion đang được sử dụng phổ biến hiện nay.
Tốc độ sạc của pin cũng rất nhanh, chỉ cần vài giây là đầy. Sở dĩ có tốc độ như vậy là vì nó lưu điện ở trên bề mặt của vật liệu thay vì sử dụng các phản ứng hóa học như pin thông thường.
Mẫu pin này bao gồm một tấm vật liệu “hai chiều” với bề mặt lớn để có thể lưu giữ được nhiều điện tử (electron). Các nhà khoa học của UCF đã sử dụng vật liệu graphen để tạo ra mẫu pin này.
Graphen là một vật liệu dạng tấm cấu tạo từ các nguyên tử carbon liên kết với nhau theo hình lục giác tuần hoàn. Đây là vật liệu siêu bền, bền hơn thép khoảng 100 lần.
Các nhà khoa học đã phải rất vất vả để tích hợp graphen với các vật liệu khác trong mẫu siêu pin. Họ đã bọc các nguyên liệu kim loại 2 chiều độ dày chỉ vài nguyên tử với các nanowire siêu dẫn (dây dẫn điện công nghệ nano), cho phép các điện tử có thể di chuyển nhanh chóng từ lõi đến vỏ. Kết quả là tạo ra một loại vật liệu có khả năng sạc siêu nhanh, mang trong mình một nguồn năng lượng cao, mà lại rất dễ sản xuất.
Mặc dù mẫu pin này mới chỉ ở giai đoạn đầu thử nghiệm và chưa được thương mại hóa, nhưng tính khả thi của nó rất cao. Trong khi một số nghiên cứu về pin khác chẳng đi tới đâu thì nghiên cứu này của các nhà khoa học UCF rất đáng trông đợi.
Nếu được thương mại hóa, nó có thể được sử dụng trong các mẫu điện thoại thông minh hay mạng lưới điện hoặc thiết bị điện tử gia đình, giúp chúng ta giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch.