Tuy nhiên, với bước phát triển thần tốc, hiện tại, chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ mới, đó là các siêu kỳ lân (decacorns) – công ty khởi nghiệp có giá trị trên 10 tỷ USD.
Tính tới cuối tháng 12/2016, trên thế giới có 13 siêu kỳ lân, theo danh sách do Wall Street Journal và Dow Jones VentureSource theo dõi.
Đằng sau các siêu kỳ lân này là những nhân vật với đặc điểm chung: còn khá trẻ, tự mình học hỏi và sẵn sàng làm mọi việc để biến ý tưởng ngỡ là điên cuồng trở thành hiện thực.
Ben Silberman – Thiên tài khiêm nhường
Công ty: Pinterest
Giá trị: 11 tỷ USD
Địa điểm: San Francisco, Calfornia, Mỹ
Sáng lập năm: 2008
Số lần gọi vốn: 9
CEO: Ben Silbermann (Đồng sáng lập)
Đối thủ: Facebook, Twitter, Instagram
Thật khó tưởng tượng vị CEO 31 tuổi, người lãnh đạo một trong những website mạng xã hội phát triển nhanh bậc nhất trên internet, “Top 40 under 40” của Forbes lại không phải một anh chàng công nghệ điển hình.
Ôn hòa và khiêm tốn, Ben Silbermann thể hiện sự quan tâm chân thành tới các vấn đề của người dùng Pinterest, chẳng mấy quan tâm tới việc trang web này đang dần trở thành một chiếc máy in tiền.
Thực tế, Pinterest đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn Facebook, Twitter và vì lý do này, nhiều người đặt niềm tin vào viễn cảnh Pinterest sẽ sớm kiếm nhiều tiền hơn cả 2 tên tuổi kể trên.
Khi được hỏi cảm giác như thế nào khi làm chủ một trong những trang mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, trở thành một trong những siêu kỳ lân, Silbermann chỉ nhún vai.
“Tôi nghĩ rằng việc này có gây đôi chút áp lực. Nhưng tôi cho rằng thứ tôi thực sự cảm thấy là chúng tôi đã tạo ra Pinterest để sử dụng và tận hưởng. Cảm giác lúc này vẫn y nguyên như khi Pinterest chỉ là một cộng đồng nhỏ với khoảng 500 người dùng. Áp lực hiện tại chỉ là thứ gia vị để chúng tôi tạo ra sản phẩm thực sự hữu ích và truyền cảm hứng”.
Các trang mạng xã hội khác như Twitter, Facebook là nơi mà người dùng sẽ là người sản xuất nội dung. Nhưng Silbermann tin rằng, “đa số mọi người không có nhiều thứ hay ho để đăng lên Facebook hay Twitter, nhưng ai cũng có thể trở thành người sưu tập. Pinterest dựa vào việc “ghim lại” những ý tưởng, những bức ảnh, những câu nói,... mọi thứ để truyền cảm hứng cho chính mình”.
Xuất thân từ một vùng quê bình thường, không chấp nhận cuộc sống tẻ nhạt, Silbermann chuyển tới Washington DC, nhưng trong suốt thời gian này, anh luôn cảm thấy mình đã ở sai địa điểm, sai thời điểm. Trong thời gian nay, anh bắt đầu đọc TechCrunch, một website tin tức công nghệ. Bị lôi cuốn bởi những câu chuyện thú vị, anh nhận ra những câu chuyện công nghệ thường được tạo nên tại vùng bờ biển phía Tây. Silberman chuyển tới San Francisco và nhận một công việc tại Google.
Đây là giấc mơ của anh, nhưng đáng tiếc, anh không phải là một “thần đồng” viết code để được làm kỹ sư, mà chỉ được nhận vị trí nhân viên hỗ trợ khách hàng, tư vấn qua điện thoại.
Trải nghiệm này đã theo anh trong suốt quãng thời gian sau đó. Khi mới tạo lập nên Pinterest, Silberman gửi mail cho 5.000 người sử dụng đầu tiên với mong muốn nhận lại phản hồi. Buổi đầu, Pinterest có khởi đầu khá chậm chạp. Vào tháng 3/2010, 4 tháng sau khi chính thức thành lập công ty, Pinterest mới chỉ có vài nghìn người sử dụng, so với con số 1 triệu người của Instagram trong cùng khoảng thời gian.
“Tháng 3/2010, chúng tôi trình làng Pinterest và khi đó chỉ có 3.000 tài khoản. Chuyện này đã không tệ tới vậy nếu chúng tôi không bắt đầu xây dựng Pinterest kể từ tháng 9/2009. Và điều này cũng chưa phải là tệ nhất, nếu tôi không bỏ việc để lập công ty vào tháng 8/2008”, Silberman phát biểu tại một hội thảo dành cho các doanh nhân khởi nghiệp với niềm tin rằng, khởi đầu chậm không có nghĩa là thất bại.
Kể từ đó tới này, Pinterest tăng trưởng nhanh chóng, với hơn 100 triệu người dùng mới mỗi tháng, doanh thu đạt hơn 100 triệu USD năm 2015, gấp 5 lần so với năm trước đó. Dù được xem là một trang mạng xã hội, Silbermann chưa bao giờ coi “đứa con” tinh thần của mình là vậy.
“Công việc của chúng tôi là giúp bạn khám phá thật nhiều ý tưởng sáng tạo. Những ý tưởng này có thể tới từ người khác, nhưng mục tiêu không phải là để có nhiều người theo dõi hay gây ấn tượng cá nhân. Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ giá trị luôn thúc đẩy bạn giao tiếp với mọi người, nhưng lại có quá ít dịch vụ giúp bạn trở thành chính mình và lấp đầy những khoảng trống trong tâm trí bạn. Chúng tôi muốn trở thành công cụ như vậy”, Silbermann nói.
Drew Houston - Giải quyết chuyện của mình, sau đó là cho tất cả
Công ty: Dropbox
Giá trị: 10 tỷ USD
Địa điểm: San Francisco, California, Mỹ
Sáng lập năm: 2007
Số lần gọi vốn: 5
CEO: Drew Houston (Đồng sáng lập)
Đối thủ: Amazon.com, Apple, Box, Google, Microsoft
Drew Houston bất chợt nảy ra ý tưởng về Dropbox, dịch vụ lưu trữ và chia sẻ tài liệu online, khi đang trên xe bus tới trường đại học và nhận ra cần một số tài liệu trong chiếc USB đã để quên ở nhà.
Anh bắt đầu xây dựng Dropbox với mục đích phục vụ nhu cầu của cá nhân mình, để rồi sau đó nhận ra đây cũng là cách giải quyết vấn đề của rất nhiều người. 9 năm kể từ ngày ý tưởng này xuất hiện, hiện tại, Houston đang là tâm điểm của mọi sự chú ý khi trở thành người lãnh đạo của một trong những dịch vụ đám mây có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với 500 triệu người sử dụng, so với chỉ 100 triệu người dùng cách đây 4 năm.
Đầu năm 2016, Dropbox tuyên bố đã ở trong trạng thái dòng tiền dương, tức là không cần phải huy động thêm vốn. 2016 cũng là một năm bận rộn với Công ty nói chung và Houston nói riêng, khi Dropbox thực hiện thêm một số dự án mới, bao gồm Magic Pocket và Paper.
Việc tự mình giải quyết các “rắc rối” của bản thân vốn là một thói quen của Houston từ khi còn nhỏ. Kể từ năm 11 tuổi, anh đã chắc chắn rằng mình sẽ trở thành một người thiết kế trò chơi điện tử để kiếm sống, bởi sở thích chơi điện tử của mình. Vào thời điểm đó, quan tâm hàng đầu của Houston là tìm cách hiểu được các mã nguồn của trò chơi.
Đây cũng là cách anh tìm được công việc đầu tiên của mình. Sau khi đăng ký trở thành những người chơi thử nghiệm của một game mới, Houston cảm thấy quá bức xúc bởi các nhà thiết kế trò chơi sửa các lỗi quá chậm, vì vậy, anh quyết định tự mình tìm hiểu và gửi mail tới công ty trò chơi với nội dung: “Các bạn đang gặp phải tất cả những vấn đề sau và đây là cách để sửa chúng”. Công ty đó đã nhanh chóng phản hồi thể hiện mong muốn Houston có thể tới làm việc.
“Liệu có ổn không nếu bố tôi sẽ hoàn thiện mọi thủ tục giấy tờ, bởi tôi mới 14 tuổi?”, Houston trả lời. Công ty đó cho biết, họ chẳng bận tâm tới tuổi tác và anh có thể làm việc tại nhà.
Năm 2013, trong một bài phát biểu tại trường M.I.T, Houston cho biết, nếu có thể khuyên bảo bản thân mình ở độ tuổi 22, có 3 điều anh sẽ đưa ra: một quả bóng tennis, một hình tròn và con số 30.000.
“Quả bóng tennis là về việc đi tìm những điều khiến bạn “ám ảnh”. Những người thành công bậc nhất, những doanh nhân xuất sắc nhất mà tôi biết đều bị ám ảnh bởi việc giải quyết những điều thực sự là vấn đề với họ. Tôi sử dụng hình ảnh quả bóng tennis cho ý nghĩ này, bởi hình ảnh chú chó của tôi trở nên kích thích, hưng phấn như thế nào mỗi lần tôi ném đi quả bóng.
Hình tròn thể hiện cho ý tưởng rằng, bạn là “trung bình cộng” của 5 người bạn thân nhất, bởi vậy hãy chắc chắn bạn đang đặt mình trong một môi trường có thể khiến bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Và cuối cùng là con số 30.000. Khi tôi 24 tuổi, tôi có tình cờ lướt vào một website với nội dụng rằng, đa phần mọi người chỉ sống khoảng 30.000 ngày. Vì vậy, bạn cần làm những điều để khiến mỗi ngày đều đáng giá”.
Cũng với quan điểm này, khi được hỏi Dropbox tuyển dụng nhân sự như thế nào, Houston cho biết, anh bị thu hút bởi những người có sự yêu thích, đam mê với việc họ đang làm. Đó là những người bị ám ảnh bởi việc phải tiến tới “tuyệt vời”, thay vì “tốt”.
Ngay cả với bản thân mình, Houston cũng luôn tự thôi thúc mình tìm hiểu thêm nhiều kiến thức hơn nữa. Và một trong những cách làm là đọc sách.
Brian Chesky - Không ai giỏi mà không học hỏi
Công ty: Airbnb
Giá trị: 30 tỷ USD
Địa điểm: San Francisco, California, Mỹ
Sáng lập năm: 2008
Số lần gọi vốn: 9
CEO: Brian Chesky (Đồng sáng lập)
Đối thủ: HomeAway, Orbitz, Diamond Resorts, Wimdu
Brian Chesky chẳng biết gì nhiều về công nghệ trước khi bắt đầu xây dựng Airbnb. CEO 34 tuổi của một trong những siêu kỳ lân trên thế giới theo học ngành thiết kế công nghiệp tại trường đại học, là đội trưởng đội hockey và chăm chỉ luyện tập thể hình.
Cho đến nay, câu chuyện về Airbnb vẫn là một “truyền thuyết” không chỉ tại Thung lũng Silicon mà còn trên toàn cầu. Tháng 10/2007, Chesky và Joe Gebbia, 2 sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế công nghiệp, đang trong tình trạng túng quẫn và chuẩn bị tới hạn trả tiền thuê nhà. Đúng lúc này, một hội thảo thiết kế được tổ chức tại thị trấn khiến các khách sạn trong tình trạng cháy phòng. Cả hai nghĩ ra ý tưởng cho thuê chỗ ngủ ngay tại căn phòng của mình cho những người chưa tìm được chỗ ở.
Bộ đôi gọi đây là dịch vụ “Air Bed and Breakfast” (chỗ ngủ và bữa sáng) và thu hút được 3 khách hàng. 3 tháng sau, Chesky, Joe cùng với một người bạn là kỹ sư Nathan Blecharczyk quyết định cùng khởi nghiệp với ý tưởng trên. Tháng 8/208, website Airbedandbreakfast.com ra đời, tạo nên một nền tảng online cho những người muốn cho thuê căn hộ, nhà của mình tìm tới những người có nhu cầu.
Ban đầu, ý tưởng này không thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, bao gồm cả Paul Graham, người sáng lập Y Combinator. Graham gọi đây là “ý tưởng tồi tệ”, dù vẫn chấp nhận đỡ đầu cho startup này bởi vì thích những người sáng lập.
Sau một khởi đầu khá ảm đạm, Airbnb bắt đầu bùng nổ và trở thành hệ thống thông tin chỗ ở khổng lồ online. Kể từ đó cho tới nay, bên cạnh việc đổi tên thành Airbnb, Công ty đã mở rộng ra hơn 34.000 thành phố và cho tới năm 2016, có hơn 60 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ, 21 văn phòng trên toàn cầu và hơn 2.000 nhân viên.
Thực tế, cách đây chưa lâu, việc chuẩn bị để điều hành một công ty có quy mô như thế này chỉ theo một cách duy nhất: bạn phải tham gia vào đội ngũ nhân viên, có tiềm năng trở thành lãnh đạo, sau đó được lựa chọn nhờ một quá trình làm việc lâu dài và phải vượt qua vô số ứng cử viên. Tuy nhiên, thời đại công nghệ hiện tại đã biến đổi mọi thứ. Những người trẻ đơn độc, có ý tưởng kinh doanh đáng giá bỗng chốc nắm giữ vị trí CEO mà không được đào tạo trước và mọi việc diễn ra với tốc độ chóng mặt.
Trong hoàn cảnh không có “kỳ lân” nào sở hữu các nhà đầu tư hay chuyên gia tư vấn đầy đủ khả năng và kinh nghiệm, CEO công ty phần lớn phải tự mình làm mọi việc, nắm trong tay những trọng trách rất lớn. Chesky, cho tới năm 2008 vẫn chưa từng nghe tới nhà đầu tư thiên thần hay quan tâm tới công nghệ, là người biết rõ điều này hơn ai hết.
“Với những người như tôi, theo học tại trường nghệ thuật, thất nghiệp và rồi đột nhiên sở hữu những thứ này chỉ 5, 6 năm sau đó, chẳng có gì chuẩn bị cho tôi để đảm đương việc này”, Chesky cho biết.
Giải pháp của anh để nhanh chóng nắm chắc cương vị người lãnh đạo chính là học hỏi qua thực tế của những người đi trước. Nghe có vẻ kỳ lạ khi Chesky, CEO của một công ty công nghệ, hình mẫu điển hình của nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) lại đi tìm kiếm lời khuyên từ một cựu giám đốc CIA và hiện là người quản lý quỹ đầu tư Allen & Company.
Chưa kể, Chesky cho biết, anh đọc và tìm hiểu nhiều điều về những người lãnh đạo tên tuổi như Warren Buffett, CEO Disney Bob Iger, Jony Ive (Apple), Jeff Weiner (LinkedIn)…
Chesky cho biết, anh học hỏi theo 2 cách: đầu tiên bằng việc thử và mắc lỗi. Thứ hai là tự dạy mình cách hiểu vấn đề đủ nhanh để nhanh chóng tìm đúng nguồn lực. Theo đó, thay vì cố gắng học hỏi và thử mọi khía cạnh của một vấn đề, Chesky nhận ra sẽ hiệu quả hơn khi dành thời gian nghiên cứu và xác định “nguồn lực” tốt nhất tại lĩnh vực đó và tìm thẳng tới “nguồn lực” này.
Một trong những nguồn lực đầu tiên mà Chesky tìm tới là doanh nhân công nghệ Michael Seibel và người đỡ đầu Graham, bên cạnh đó là những doanh nhân danh tiếng khác. Đọc sách cũng là một phần của phương pháp này. Airbnb càng trở nên lớn mạnh, thì những nguồn lực mà Chesky có cũng càng phát triển.
Sau khi gặp gỡ Mark Zuckerberg (Facebook), Jeff Bezos (Amazon) và John Donahoe (eBay), Chesky nhanh chóng tìm tới các vị lãnh đạo khác như Bob Iger, Sheryl Sandberg để tìm những lời khuyên và danh sách các nguồn lực đang không ngừng dài hơn nữa.
Một trong những “thắng lợi” đặc biệt của Chesky là cuộc trò chuyện của anh với Warren Buffett. Cách đây hơn 1 năm, Chesky tìm cách liên lạc và đặt ra câu hỏi, anh có thể tới Omaha để dùng bữa trưa với Buffett hay không, khi ông tới tham dự cuộc họp công ty thường niên vào cuối tuần. Cuộc trò chuyện này đã kéo dài tới 4,5 tiếng. Điều lớn nhất mà Chesky nhận được là giá trị của việc không bị sao nhãng bởi “tiếng ồn” xung quanh.
“Ông ấy sống tại trung tâm của Omaha. Nhưng tôi không thấy bóng dáng của TV. Ông ấy dành cả ngày để đọc sách, có lẽ chỉ gặp mặt người khác một lần trong ngày và suy nghĩ một cách sâu sắc”, Chesky cho biết.
Trải nghiệm này quan trọng tới nỗi, ngay khi tới sân bay để quay về nhà, vì sợ sẽ quên mất điều gì đó, Chesky ngay lập tức viết một báo cáo dài 3.600 chữ và gửi tới toàn bộ đội ngũ của mình. Về phần Buffett, ông nhận thấy Chesky có cảm xúc đặc biệt với việc xây dựng công ty của mình.
“Tôi nghĩ cậu ấy sẽ vẫn làm những gì đang làm, dù có không được trả một xu nào đi nữa”, Buffett nói.
Adam Neumann – Ngông cuồng, nhưng bản lĩnh
Công ty: WeWork
Giá trị: 16,9 tỷ USD
Địa điểm: New York, Mỹ
Sáng lập năm: 2010
Số lần gọi vốn: 7
CEO: Adam Neumann (Đồng sáng lập)
Đối thủ: Regus
6 năm trước, Adam Neumann, cư dân nhập cư từng lớn lên tại các khu định cư ở Israel, đã đồng sáng lập nên WeWork, một mô hình kinh doanh “viển vông” với ý tưởng thúc đẩy các nhân viên làm việc tại nhiều lĩnh vực khác nhau cùng chia sẻ không gian làm việc, cùng uống cà phê, thậm chí có thể trao cho nhau các cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, ý tưởng ngỡ điên rồ này đã xuất hiện đúng thời điểm, khi ra đời đồng thời với sự bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ (sharing economy).
Hiện tại, WeWork cho thuê các không gian văn phòng lớn, thiết kế chúng thành không gian thu hút hơn và cho thuê lại. Tính tới cuối năm 2016, WeWork có 50.000 thành viên với khoảng 100 địa điểm trên toàn cầu và được định giá hơn 16 tỷ USD.
Với Adam Neumann, WeWork không chỉ là việc đầu tư mạo hiểm vào bất động sản, anh kỳ vọng Công ty sẽ tái định hình lại lĩnh vực này, giống như cách mà những tiền bối như Airbnb Inc và Uber Technologies Inc đã thay đổi ngành du lịch và vận tải.
Khi nhận những chỉ trích vì mô hình kinh doanh theo hướng chỉ đơn thuần là “thuê lại bất động sản, thiết kế đôi chút, chia nhỏ và rồi cho thuê lại với giá cao gấp mấy lần”, Adam cho biết, WeWork là một công ty có mô hình phức tạp bậc nhất.
“Chúng tôi phải thuê đúng người, có chương trình đào tạo bào bản và rồi phải nhân rộng mô hình trên toàn cầu, trong bối cảnh mỗi thị trường có quy luật riêng, thiết kế riêng, phong cách riêng. Để đạt được những dấu ấn ngày hôm nay, chúng tôi phải tiêu tiền vào đội ngũ nhân viên, vào những người chúng tôi đã chọn, quy trình chúng tôi tiến hành trong 6 năm qua. Chưa kể tới sự hỗ trợ của công nghệ, từ việc lựa chọn bất động sản nào và điều hành nó ra sao. Tất cả những thứ đó đều đắt đỏ”.
Neumann tới New York năm 2001 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại quê nhà bởi anh muốn trở nên giàu có. Tới bất cứ nơi đâu, anh đều nhìn thấy những cơ hội kinh doanh. Ý tưởng phiêu lưu đầu tiên của anh là tạo nên những đôi giày cao gót mà phần gót có thể gấp gọn, tuy nhiên, đã nhanh chóng thất bại.
Sau đó, trong một lần bước vào tòa nhà tại New York nơi chị của anh đang sống, Neumann bị bất ngờ bởi sự im ắng nơi đây.
“Tại sao không có ai nói chuyện với nhau?”, Neumann hỏi chị mình. Trong đầu anh chợt nảy ra ý nghĩ về cuộc thi xem ai kết bạn nhiều hơn với mọi người sống trong tòa nhà cùng với chị. Mặc dù thua trong trò cá cược này, Neumann cảm thấy toàn bộ nguồn năng lượng tại tòa nhà đã thay đổi, khi cả hai chị em đều có bạn tại mỗi tầng.
Ý tưởng này thúc giục Neumann xây dựng một cộng đồng thực sự tại các tòa nhà, thứ mà anh gọi là “mô hình cuộc sống” và tham gia vào một cuộc thi tại Baruch College. Tuy nhiên, giấc mơ này đã nhanh chóng đối diện với hiện thực phũ phàng: “Sẽ chẳng bao giờ một gã nhập cư 23 tuổi, không có kinh nghiệm về bất động sản có thể huy động đủ tiền để làm mấy thứ kiểu như mô hình cuộc sống”, Neumann nói.
Sau khi tiến hành một số công việc kinh doanh khác, bao gồm bán quần áo trẻ em, tới năm 29 tuổi, Neumann thừa nhận mình chỉ là một gã độc thân, bê bối, đôi khi không đủ tiền thanh toán cho bữa ăn trưa, nhưng anh chưa từng bỏ cuộc. Năm 2008, cuối cùng anh cũng tìm được chủ một tòa nhà cho thuê chấp nhận ý tưởng này và cho thuê lại, nhưng thời điểm không thể tệ hơn bởi đó là khi nền kinh tế bắt đầu khủng hoảng.
Trái ngược với sự thương cảm của nhiều người, Neumann nhận định: “Đây không phải là vấn đề về bất động sản. Một số người bị sa thải vì khủng hoảng, họ sẽ bắt đầu công việc mới, một số công ty thu hẹp quy mô cần địa điểm nhỏ hơn, mọi người sẽ cần sát lại gần nhau hơn”.
Và Neumann đã đúng, hạt mầm đầu tiên của WeWork mang tên GreenDesk đã nảy mầm. Sau nhiều nỗ lực, công ty của Neumann đã bắt đầu nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư mạo hiểm.
“Một giám đốc của Benchmark Capital tiếp cận chúng tôi sau khi ông ấy nhận ra, 3 trong số 10 công ty khởi nghiệp mà quỹ đang đầu tư có trụ sở tại tòa nhà của WeWork. Khi đó, chúng tôi mới chỉ có 2 tòa nhà”, Neumann cho biết.
Hiện tại, cứ mỗi tháng WeWork mở thêm khoảng 10 địa điểm mới ở 3 châu lục khác nhau. Tốc độ phát triển nhanh hiện tại khiến Neumann phải đối diện với nhiều áp lực hơn nữa, nhất là trong việc đưa ra những quyết định.
Khi được hỏi làm cách nào để biết mình đang đưa ra những quyết định đúng, Neumann cho biết: “Tôi tin rằng nếu chúng ta thường đưa ra những quyết định đúng, điều đòi hỏi phải có kinh nghiệm và nỗ lực, càng nhiều quyết định đúng đưa ra thì việc này càng dễ dàng hơn. Làm điều đúng không chỉ là tạo ra văn hóa, sản phẩm tốt nhất, nó còn đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều tiền nhất, ngay cả khi bạn phải đưa ra quyết định khiến mình mất tiền trong ngắn hạn”.