Ngày 14/7/2019, trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Nguyễn Ân Niên - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM cho biết, đề xuất sử dụng lu nước trong mỗi hộ gia đình cùng thành phố giải quyết tình trạng ngập lụt của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân "cũng được" nhưng sẽ khó đem lại thành công như mong đợi như ở các nước khác.
"Một cái lu hay cách gọi khác là bể chứa nước của mỗi gia đình thì cũng chỉ chứa được một vài m3 nước là cùng. Trong khi lượng mưa ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung lớn quá nên việc dùng lu chứa nước chẳng thấm vào đâu.
Trong khi đó, ở những nước như Nhật Bản, Singapore, Bangladesh... lượng mưa của họ ít hơn. Ngoài ra, bể chứa nước của họ còn được áp dụng công nghệ, kết nối với hạ tầng của thành phố nên mới đạt được hiệu quả như thế.
Còn ở minh, lu chứa nước thì chỉ là lu chứa nước chứ khó có thể là công cụ hỗ trợ chống ngập khi trời mưa xuống" - GS.TSKH Nguyễn Ân Niên nói.
Lượng mưa ở TP.HCM lớn hơn so với các nước trong khu vực nên khó có thể dùng lu tích nước mong hết ngập. |
Vị chuyên gia này kể, từ ngày xưa ở TP.HCM cũng đã có đề xuất mỗi hộ gia đình làm bể chứa nước đặt ở dưới nền nhà hoặc trên tầng cao. Khi đó được xem là sáng kiến chống ngập vào thời đó. Nhưng sau khi thực hiện thì thấy đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi sau đó TP.HCM vẫn ngập sau mỗi trận mưa.
"Ít ra chúng ta phải làm được nhiều bể chống ngập có thể chưa được lượng nước lớn mới có tác dụng chứ cái lu trong mỗi gia đình bé quá, không ăn thua gì so với lượng mưa diễn ra. Thậm chí có thời điểm TP.HCM có ý định làm bể chống ngập ngầm bằng chất dẻo, chứa được khoảng 90m3 nước nhưng cũng chẳng thể giải quyết được" - GS.TSKH Nguyễn Ân Niên cho biết.
Còn GS.TS Nguyễn Tất Đắc - Viện Quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam không ủng hộ đề xuất của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân.
"Chuyện áp dụng lu nước chống ngập nói chơi với nhau thì được chứ còn đi vào thực hiện trên diện rộng với kỳ vọng hỗ trợ thành phố chống ngập sẽ không thành công.
Đối với một thành phố lớn như TP.HCM thì việc mỗi nhà để một cái lu nước là cực kỳ khó khi diện tích chật hẹp trong khi mật độ dân số cao.
Còn với những vùng ngoại thành, mỗi nhà có lu chứa nước với mục đích chính là tích nước dùng trong sinh hoạt chứ không phải để chống ngập nên để nhìn nhận ở vùng nông thôn, ngoại thành có lu nước thì không có hiện tượng ngập là sai lầm" - ông Đắc chỉ ra.
Căn bản của việc chống ngập phải là làm thế nào tích được một lượng nước lớn trong thời điểm mưa diễn ra để giảm tải áp lực lên hệ thống cống xả. Đồng thời, cống xả phải đủ lớn, hoạt động tốt để thoát nước ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập.
Dự án hồ điều tiết ngầm trên đường Võ Văn Ngân - TP.HCM thí điểm năm 2017 cũng không giải quyết được tình trạng ngập quanh khu vực này. |
Tuy nhiên, lu nước của mỗi hộ gia đình lại rất nhỏ, không phải hộ gia đình nào cũng có thể trang bị lu để trong nhà. Chính vì thế, việc dùng lu chống ngập sẽ khó khả thi.
Vị chuyên gia này tính toán, trung bình mỗi lượng mưa ở TP.HCM từ 80 - 100mm, nghĩa là cứ 100m2 diện tích thì sẽ có thể tích nước mưa từ 8 - 10m3. Trong khi diện tích TP.HCM vào khoảng 2.000km2 thì lượng nước phải thoát ra trong mỗi trận mưa là bao nhiêu?
Nói đến chuyện vì sao Nhật Bản, Malaysia áp dụng bể chứa nước cá nhân trong mỗi gia đình giúp ích rất nhiều trong công cuộc chống ngập, GS.TS Nguyễn Tất Đắc chỉ ra là do nước họ có hệ thống cống thoát nước đủ lớn và đủ nhiều, từ đó sẽ làm giảm vai trò của bể chứa nước đi.
"Nhật Bản và Malaysia họ có hệ thống giao thông ngầm. Khi trời khô, tạnh thì có thể là đường cho xe lưu thông. Khi mưa đến thì có thể trở thành cống thoát nước.
Còn ở TP.HCM thì hạ tầng chưa đạt được đến mức như vậy nên không thể đem việc làm của họ về áp dụng tại Việt Nam với hy vọng thành công" - GS.TS Nguyễn Tất Đắc khẳng định.