Tuy nhiên ngày càng có nhiều quốc gia và doanh nghiệp tư nhân dự định đầu tư số tiền lớn vào nghiên cứu thế giới dưới nước mà trong thực tế vẫn còn hoang dã. Trong đó, Nhật Bản dự định bắt đầu kỷ nguyên mới trong nghiên cứu, khám phá và định cư dưới biển.
Biển sâu là môi trường rất khó tiếp cận và được biết đến rất ít. Khu vực này kéo dài từ độ sâu 4.000 m đến 11.000 m. Các nhà đại dương học và địa vật lý học thừa nhận rằng chúng ta biết về môi trường biển sâu ít hơn so với bề mặt sao Hỏa.
Công ty Shimizu (Nhật Bản) có ý tưởng xây dựng siêu đô thị dưới nước có tên là The Ocean Spiral. Để thực hiện dự án này, họ đã thành lập một phòng thí nghiệm đặc biệt. Ông Takeuchi Masaki, phụ trách phòng thí nghiệm của Shimizu cho rằng sẽ xây dựng được thành phố dưới nước nhanh hơn đưa người lên sao Hỏa, mặc dù cả hai sự kiện đều được lên kế hoạch là vào giai đoạn 2040 - 2050.
Siêu đô thị dưới nước sẽ dành cho 4.000 cư dân và hàng ngàn khách du lịch, thương gia, nghệ sĩ - những người đến tham quan tạm thời. Trong siêu đô thị có khu vực nhà chung cư, trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm giải trí… Dự kiến nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong tìm kiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển. Năng lượng cho siêu đô thị hoạt động được cung cấp bởi các cỗ máy phát điện dựa trên sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước bề mặt và tầng sâu, hoặc dựa trên chuyển động của thủy triều, các dòng hải lưu. Lượng điện năng sẽ rất lớn nên siêu đô thị sẽ chuyển một phần điện năng vào bờ.
Thành phần chủ yếu của siêu đô thị The Ocean Spiral là một quả cầu đường kính 500 mét bằng bê tông và nhựa tổng hợp dẻo (nhựa dẻo đảm bảo cho quả cầu có độ trong suốt, giúp ánh sáng đi qua).
Khi gặp điều kiện thời tiết xấu (gió mạnh, sóng lớn) quả cầu sẽ “lặn” xuống biển, đến độ sâu khoảng 150 mét, nơi sóng biển hầu như không có.
Nhiệt độ bên trong siêu đô thị luôn ổn định và không vượt quá 26 độ C. Các nhà khoa học dự đoán khả năng sử dụng methanogen - các vi sinh vật có khả năng tạo ra khí methane. Nhờ các vi sinh vật này có thể biến đổi carbon dioxide dư thừa trong siêu đô thị thành methane.
Kinh phí xây dựng siêu đô thị dưới nước vượt quá 20 tỷ euro. Các nhà khoa học ở ĐH Tokyo và Cơ quan Khoa học Công nghệ Trái đất - đại dương Nhật Bản cũng tham gia vào công việc thiết kế siêu đô thị này.