Sẽ tiến hành cưỡng chế nếu Raffles Hà Nội không thực hiện quyết định xử phạt

Sẽ tiến hành cưỡng chế nếu Raffles Hà Nội không thực hiện quyết định xử phạt

(GD&TĐ)-Ngày 16/1/2012, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có quyết định số 01/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội vì lý do trung tâm này đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo trái phép trên lãnh thổ Việt Nam với tổng số 628 sinh viên. Trong quyết định này cũng nêu rõ, Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội phải thực hiện hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là dừng các hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo trái phép các trình độ thuộc chương trình CĐ của Raffles College of Higher Education, Singapore và chương trình ĐH của Raffles College of Design & Commerce, Úc trên lãnh thổ Việt Nam; trả lại kinh phí cho người học, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người học, giải quyết hậu quả (nếu có).

xxcxc
Sẽ tiến hành cưỡng chế nếu Raffles Hà Nội không thực hiện quyết định xử phạt


Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Trung tâm Raffles Hà Nội vẫn chưa chịu thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với các học viên, gây bức xúc trong dư luận. Trước thông tin này, ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định: Quan điểm của Bộ GD&ĐT là Trung tâm Raffles Hà Nội phải nghiêm túc thực hiện quyết định xử phạt hành chính và phải trả lại tiền cho người học. Nếu chuyển người học ra nước ngoài học tiếp cũng phải dựa trên việc thỏa thuận với họ. Nếu không thực hiện thì sẽ phải cưỡng chế theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

PV: Trung tâm Raffles Hà Nội được cấp giấy phép và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006 nhưng đến giữa tháng 1/2012 mới phát hiện sai phạm. Chánh thanh tra lý giải điều này như thế nào?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội là đơn vị có 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 2562/GP ngày 18/4/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sở Lao động, Thương binh và xã hội cấp phép hoạt động  dạy nghề ngắn hạn. Theo quy định của pháp luật thì dạy nghề  không thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT.

Ngày 22/3, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thu hồi giấy chứng nhận đăng ký dạy nghề của Công ty TNHH dạy nghề đào tạo quốc tế Raffles và yêu cầu Raffles khắc phục ngay các kiến nghị của Thanh tra Bộ GD&ĐT, giải quyết quyền lợi chính đáng của học viên.

UBND TP.HCM cũng giao Công an TP.HCM tạm thời dừng việc xuất cảnh khỏi Việt Nam đối với ông Hwong Kee Hong - Tổng giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty Raffles, cho đến khi giải quyết xong các quyền lợi có liên quan đến học viên.

Khi chúng tôi có thông tin Raffles Hà Nội hoạt động vượt ra ngoài giấy phép, tức là hoạt động đào tạo ĐH, CĐ, mà hoạt động đào tạo ĐH, CĐ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GD&ĐT thì thanh tra Bộ đã phối hợp thanh tra, và đương nhiên thấy có hành vi vi phạm pháp luật thì ra quyết định xử phạt. Những gì liên quan đến dạy nghề chúng tôi kiến nghị cơ quan LĐ-TB&XH xử lý.

Năm vừa qua, Bộ GD&ĐT đã xử lý 4 trung tâm đào tạo có yếu tố nước ngoài, đều không do Bộ GD&ĐT cấp phép, nhưng họ lại hoạt động tuyển sinh, đào tạo các chương trình CĐ, ĐH thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT. 

PV.Theo phản ánh của phụ huynh, học viên, hiện Trung tâm Raffles Hà Nội vẫn chưa thực hiện trách nhiệm của mình là hoàn trả lại kinh phí cho người học. Thái độ của Bộ GD&ĐT thế nào trước hành xử thiếu trách nhiệm này?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Khi có quyết định xử phạt của thanh tra Bộ, Trung tâm này đã dừng tuyển sinh và đào tạo, đồng thời cam kết khắc phục hậu quả. Họ cũng có văn bản đề nghị cho khôi phục lại chương trình đào tạo nhưng Bộ không đồng ý mà yêu cầu họ nghiêm chỉnh thực hiện quyết định xử phạt, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là Trung tâm Raffles Hà Nội phải nghiêm túc thực hiện quyết định xử phạt hành chính và phải trả lại tiền cho người học. Nếu chuyển  người học ra nước ngoài học tiếp cũng phải dựa trên việc thỏa thuận với họ. Nếu không thực hiện thì sẽ phải cưỡng chế thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người dân theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội đề nghị phối hợp giám sát thực hiện quyết định xử phạt và phối hợp cưỡng chế nếu cần.

Vụ việc này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Người dân phải dựa vào pháp luật để đòi lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình. Tuy nhiên, cũng cần thực sự bình tĩnh và tin tưởng vào cơ quan chuyên môn, cơ quan bảo vệ pháp luật.

PV. Hiện nay, hàng trăm sinh rất băn khoăn về giá trị pháp lý của các tấm bằng đã có. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD&ĐT nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Với số sinh viên đã tốt nghiệp, cần xem cụ thể hợp đồng thỏa thuận giữa người học và đơn vị đào tạo như thế nào. Vừa rồi Bộ GD&ĐT mới xem xét cái đang hoạt động để xử lý kịp thời. Những việc đã xảy ra rồi sẽ cố gắng khắc phục một cách tối đa.

Với số học viên đã tốt nghiệp, hiện nay Bộ GD&ĐT dựa theo qui định công nhận văn bằng có yếu tố nước ngoài, giao cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục kiểm tra, xem xét. Với số đang học thì chắc chắn sẽ không được cấp bằng.

Qua đây cũng đặt ra vấn đề khi người dân lựa chọn dịch vụ đào tạo cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ các thông tin có liên quan. Không thể chỉ nghe theo quảng cáo. Các chương trình đào tạo có phép thường xuyên được Bộ cập nhật trên trang thông tin của Bộ.

Về phía Bộ GD&ĐT, tinh thần của Bộ là cương quyết xử lý nếu có vi phạm pháp luật, đồng thời tạo điều kiện bảo đảm cho người dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ