Sẽ quy định chuẩn mực đạo đức nhà giáo cụ thể, phù hợp thực tiễn

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Đắk Nông đề nghị khi hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành Luật Giáo dục 2019 cần chú trọng quy định chuẩn mực cụ thể, rõ ràng về đạo đức nhà giáo trong cơ chế thị trường hiện nay; trong chương trình giáo dục - đào tạo các cấp cần quan tâm đến nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách của thế hệ trẻ cho phù hợp với tình hình mới.

Tình cảm cô trò. Ảnh minh họa/INT
Tình cảm cô trò. Ảnh minh họa/INT

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong Luật Giáo dục 2019, Điều 67 (Tiêu chuẩn nhà giáo) và Điều 69 (Nhiệm vụ của nhà giáo) đã nêu các quy định về chuẩn mực và đạo đức nhà giáo. Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, cùng với việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai các văn bản hiện hành liên quan đến các quy định về đạo đức nhà giáo, khi xây dựng các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT sẽ quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn.

Về chương trình giáo dục các cấp học cần quan tâm đến nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách của thế hệ trẻ: Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 với quan điểm bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mỹ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; đồng thời giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo dục công dân (môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp THCS, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT) là môn học xuyên suốt các cấp học phổ thông, giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển ý thức và hành vi của người công dân.

Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, môn Giáo dục công dân sẽ góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kỹ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ