Sẽ hợp nhất 3 trường Cao đẳng tại Thừa Thiên Huế

GD&TĐ - Theo đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2030 sẽ hợp nhất 3 trường Cao đẳng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (đứng) chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2030. (Ảnh: N.H).
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (đứng) chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2030. (Ảnh: N.H).

Tại cuộc họp báo cáo Đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2030 vừa diễn ra ngày 8/2, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì cùng đại diện các Sở, ban, ngành liên quan; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có những bước phát triển về quy mô; có sự thay đổi về mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề được chú trọng. Các cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư và đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác đào tạo, cung ứng nguồn lao động có tay nghề, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc xây dựng Đề án sắp xếp các cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh là cần thiết, đúng chủ trương về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các cơ sở GDNN công lập nói riêng trên địa bàn tỉnh hiện nay; nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động kỹ thuật - dịch vụ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn đến năm 2030.

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đã trình bày nội dung đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2022-2030. Theo đó, hình thành trường Cao đẳng mới chất lượng cao trên cơ sở hợp nhất ba trường là Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế, Trường Cao đẳng Giao thông Huế và Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế.

Trường Cao đẳng mới chất lượng cao sẽ có 9 khoa chuyên môn gồm: Khoa Xây dựng, giao thông, cầu đường; Khoa Công nghệ cơ khí (bao gồm cả công nghệ hàn, điện , cắt gọt kim loại); Khoa Cơ - Điện tử; Khoa Kỹ thuật – công nghệ; Khoa Kinh tế số (truyền thông, Marketing, Quản trị kinh doanh số, Kế toán); Khoa Cơ bản; Khoa khách sạn - nhà hàng; Khoa Công nghệ mỹ thuật; Khoa Sư phạm.

Bên cạnh đó, trường này sẽ có 6 trung tâm, đơn vị trực thuộc gồm: Trung tâm Giáo dục Chính trị, Quốc phòng, Thể chất; Trung tâm tư vấn, tuyển sinh và dịch vụ việc làm; Trung tâm đào tạo lái xe; Trung tâm ngoại ngữ; Trung tâm ứng dụng thực hành công nghệ cao; Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.

Đại diện các bên liên quan cho ý kiến tại cuộc họp. (Ảnh: N.H).

Đại diện các bên liên quan cho ý kiến tại cuộc họp. (Ảnh: N.H).

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, các cơ sở GDNN đã có những trao đổi, làm rõ, phân tích về sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2022-2030. Các ý kiến tập trung phân tích về tên gọi trường sau khi được sáp nhập; hình thành các khoa, phòng chức năng và các trung tâm, đơn vị trực thuộc. Đồng thời, các đại biểu cũng đã có những kiến nghị, đề xuất trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tăng quy mô tuyển sinh, phát triển ngành nghề mới theo nhu cầu, đào tạo nghề đón đầu đầu ra.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các cơ quan, đơn vị cần có sự đánh giá theo quy chuẩn,cụ thể của các trường,cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

“Đề nghị đơn vị tư vấn cần có đánh giá một cách tổng quan về đáp ứng yêu cầu đào tạo, tuyển sinh của các trường. Đồng thời, miêu tả đầy đủ trong khung, từ đó bám sát những chủ trương định hướng của các Bộ, ngành phù hợp trong từng giai đoạn, mang tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm khi thực hiện sáp nhập các cơ sở GDNN công lập. Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn cần có dự báo xu thế trong thời gian tới khi xây dựng đề án”, ông Bình nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị cần có những tiêu chí đáp ứng yêu cầu, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh khi sáp nhập các cơ sở GDNN. Qua đó, đưa ra khung chuẩn trong sắp xếp các khoa, phòng chức năng để đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo và hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Bình yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh này phối hợp với các cơ quan, đơn vị cần tham mưu cho tỉnh trong việc sắp xếp,bố trí cơ sở vật chất, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ sau khi sáp nhập các trường. Đề nghị các trường, trên cơ sở phối hợp cần đánh giá lại cơ sở vật chất hiện có của các nhà trường. Các trường cần phổ biến tinh thần cho các giáo viên, học sinh biết về chủ trương sáp nhập các cơ sở GDNN công lập của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mạng lưới cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi sắp xếp giai đoạn 2023-2025 sẽ có tổng số cơ sở GDNN là 10 cơ sở (giảm 5 cơ sở); trong đó Trường Cao đẳng: 3 cơ sở; Trường trung cấp: 1 cơ sở; Trung tâm GDNN: 6 trung tâm. Giai đoạn 2026-2030 có tổng số cơ sở GDNN là 7 cơ sở ( giảm 3 cơ sở so với giai đoạn 2022-2025 và giảm 8 cơ sở so với giai đoạn trước 2022); trong đó Trường cao đẳng: 4 (giảm 1 và tăng 2); Trường trung cấp: không còn; Trung tâm GDNN: 3 trung tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.