Sẽ giao quyền tự xác định giá bán lẻ sữa cho doanh nghiệp đầu mối

GD&TĐ - Bộ Công Thương cho biết, sắp tới sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi dưới dạng Thông tư hướng dẫn trên cơ sở pháp luật hiện hành, cam kết quốc tế... và áp dụng chung cho tất cả các đối tượng thương nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.

Sẽ giao quyền tự xác định giá bán lẻ sữa  cho doanh nghiệp đầu mối

Việc quy định về quản lý giá sữa tại Thông tư có nội dung hoàn toàn dựa trên các quy định đã có về quản lý giá và quy định về hoạt động kinh doanh hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường nói chung; quy định này sẽ áp dụng chung cho tất cả các đối tượng thương nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam (không có sự phân biệt đối xử). Trong đó bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sữa trong nước; doanh nghiệp, hợp tác xã nhập khẩu; thương nhân phân phối, bán lẻ sữa); các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Trên cơ sở khai báo của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường.

Như vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai (trong trường hợp không áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc đăng ký giá đối với mặt hàng sữa (trong trường hợp áp dụng biện pháp bình ổn giá) với Bộ Công Thương, đồng thời thông báo hệ thống phân phối của mình với Bộ Công Thương.

Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công Thương sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng. Mức giá này sẽ là mức giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối, các đơn vị phân phối dưới sự giám sát của các thương nhân đầu mối nêu trên, đồng thời chịu sự kiểm soát của các lực lượng chức năng trên địa bàn kinh doanh (Sở Công Thương, Quản lý thị trường, Thanh tra thuế...).

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, với phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả... Đồng thời, xác định được trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2017, các thành viên của Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc EuroCham (NFG), đại diện cho 5 công ty sữa đa quốc gia có mặt tại Việt Nam, đã đệ đơn kiến nghị cơ quan quản lý gỡ bỏ chính sách áp giá trần lên mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được Bộ Công Thương gia hạn áp dụng từ quyết định trước đó của Bộ Tài chính. Kiến nghị này được nhắc đến trong chương 16 sản phẩm dinh dưỡng và sữa công thức của Sách Trắng 2017 mà EuroCham vừa phát hành.

Theo NFG, từ khi biện pháp giá trần được áp dụng, nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp sữa đã tăng như tỷ giá, chi phí điện, chi phí nhân công... Những thay đổi này đã tác động đến hoạt động của các nhà sản xuất và phân phối sữa. NFG cho rằng, biện pháp áp giá trần với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ Việt Nam, đồng thời sẽ tác động tới kết quả hoạt động ngắn và trung hạn của doanh nghiệp cũng như thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ