Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong quý III-2021, số lượng vắc xin về có thể chưa nhiều nhưng tới quý IV-2021 sẽ về dồn dập. Riêng vắc xin Pfizer sẽ về Việt Nam khoảng 47-50 triệu liều.
Bộ Y tế cho biết, tính tới sáng 2/8, trên cả nước đã có gần 6,5 triệu liều vắc xin đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu, các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ bằng cách huy động tổng lực các lực lượng ở địa phương tham gia tiêm chủng, không giới hạn số lượng tiêm trong một buổi, thời gian chờ đợi sau tiêm thay đổi tùy theo các địa phương quyết định...
Ở địa phương có ít vắc xin vẫn phải đẩy nhanh tốc độ tiêm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm chuẩn bị cho các đợt vắc xin sắp về. Đặc biệt, tại các vùng phong tỏa càng phải tổ chức tiêm ngay.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu, các địa phương sàng lọc sớm, sàng lọc trước các đối tượng đăng ký tiêm để phân loại, chỉ định điểm tiêm phù hợp tình trạng sức khỏe người dân. Người dân có vắc xin nào tiêm ngay vắc xin đó, không lựa chọn, bởi tất cả các loại vắc xin Bộ Y tế cấp phép đều được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép và các nước sử dụng.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 17,6 triệu liều vắc xin Covid-19, bao gồm: Vắc xin của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V, Sinopharm.
Bộ Y tế đã phân bổ hơn 16 triệu liều vắc xin theo 16 đợt cho các địa phương, bộ ngành, đơn vị. Tính tới sáng 2/8, cả nước đã có gần 6,5 triệu liều vắc xin đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân. Trong đó có gần 660.000 người đã tiêm đủ 2 mũi.