Chia sẻ tại buổi họp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trong quý IV công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế về xây dựng đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Việc bám sát, theo dõi, đánh giá tác động chính sách còn bị động, chưa thường xuyên.
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương, việc xử lý, khắc phục sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm.
Việc triển khai quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tại các thành phố, đô thị lớn còn chậm và thiếu đồng bộ. Chất lượng một số đồ án quy hoạch hiện nay chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý và triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt còn bất cập.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng sốt đất, sốt giá ở một số địa phương trong một số thời điểm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, chưa đáp ứng nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, một số cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và chống đầu cơ bất động sản.
Trong 5 năm 2021 – 2025, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống công cụ quản lý về xây dựng, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, minh bạch.
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, đổi mới, bổ sung cơ chế chính sách, công cụ quản lý để kiểm soát, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở hộ nghèo ở nông thôn…
Ngoài ra, chia sẻ tại Họp báo quý IV/2020 của Bộ Xây dựng, ông Hà Quang Hưng – Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Nghị định 101/2015/NĐ-CPvề cải tạo, sửa chữa lại nhà chung cư cũ đang được nghiên cứu sửa đổi nhằm đưa ra những phương án hữu hiệu. Tuy nhiên, hiện nhà chung cư cũ đang tồn tại 3 nguyên nhân chính khiến cho việc và xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư tương đối khó khăn.
Thứ nhất là các nhà chung cư cũ hiện nay tập trung chủ yếu trong các khu vực nội đô của các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Mà vùng nội đô này luôn gặp những vướng mắc đến từ chỉ tiêu xây dựng, quy định về tầng cao, chỉ tiêu dân số, dẫn đến việc quy hoạch lại các khu chung cư cũ rất khó khăn.
Thứ hai, nguồn lực của các chính quyền địa phương trong việc là bố trí di dời, tái định cư các hộ dân ở trong các khu vực này rất hạn chế.
Thứ ba, các nhà chung cư cũ có thời gian đưa vào sử dụng rất lâu do đó vấn đề về tính sở hữu trong các nhà chung cư cũ cũng rất phức tạp. Trong một chung cư cũ, có thể có trường hợp sở hữu Nhà nước, một phần sở hữu thuộc Nhà nước, hay sở hữu cá nhân, sở hữu tập thể cho nên để lựa chọn được một hình thức cải tạo lại nhà chung cư hay lựa chọn lại được chủ đầu tư rất khó khăn.
Trước các nguyên nhân cơ bản trong việc xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng trong thời gian vừa qua cũng đã tiến hành hai hội nghị, hội thảo cùng UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM để tìm ra được các giải pháp đảm bảo tính khả thi trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng khẳng định, cố gắng trong năm 2021 sẽ có hành lang pháp lý cơ bản, sau đó tiếp tục sửa đổi Luật Nhà ở để có hành lang pháp lý rộng hơn, sẽ dễ hơn trong cải tạo, sửa chữa chung cư cũ.