Hà Nội kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo “phải thực hiện dứt điểm di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm” trên địa bàn thành phố.

Theo UBND TP Hà Nội, công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tích cực chỉ đạo.

Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay, số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít; dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra.

Nhiều chung cư ở Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong ảnh là khu tập thể Thành Công, Nguyên Hồng (Hà Nội).

Nhiều chung cư ở Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong ảnh là khu tập thể Thành Công, Nguyên Hồng (Hà Nội). 

UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp khẩn trương với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Đồng thời, kiến nghị biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những nội dung cần tháo gỡ để đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn thực hiện.

Giao Sở KH-ĐT, Sở Tài chính chuẩn bị kế hoạch vốn để lập quy hoạch các khu chung cư cũ bằng nguồn ngân sách.

Về công tác nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ trên địa bàn, UBND TP giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát, tổng hợp báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo.

Đối với những hồ sơ đề xuất ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ do các doanh nghiệp chậm thực hiện, đã quá thời hạn thành phố giao (trong đó có khu chung cư cũ Giảng Võ), giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông báo tạm dừng thực hiện.

Các khu tập thể ở Hà Nội được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước hiện đã xuống cấp, gây mất an toàn, làm nhếch nhác bộ mặt Thủ đô. Ảnh: Vũ Đức Anh

Các khu tập thể ở Hà Nội được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước hiện đã xuống cấp, gây mất an toàn, làm nhếch nhác bộ mặt Thủ đô. Ảnh: Vũ Đức Anh

Đối với các nhà chung cư cũ đã được kiểm định, đánh giá mức độ nguy hiểm cấp độ D, lãnh đạo UBND thành phố giao Sở Xây dựng, UBND các quận liên quan, khẩn trương thực hiện dứt điểm việc tạm cư, di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm để triển khai thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại; báo cáo kết quả thực hiện, tham mưu đề xuất UBND thành phố...

Trước đó, theo số liệu của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện có đến gần 1.600 khối nhà chung cư cũ, tất cả đều đã xuống cấp, trong đó có đến 25% số chung cư thuộc diện nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay việc cải tạo, xây dựng lại mới chỉ đạt khoảng... 1%.

Theo các chuyên gia, việc mâu thuẫn trong vấn đề lợi ích của doanh nghiệp, đền bù tái định cư cho người dân là “nút thắt” khiến việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội nhiều năm qua vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Theo Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ