Hà Nội “cởi trói” cải tạo chung cư cũ

GD&TĐ - Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND các quận trên nhanh chóng di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ, nguy hiểm. Tiếp đó, khẩn trương triển khai dự án cải tạo xây dựng lại các chung cư này.

Khu tập thể Nam Thành Công nằm trong danh sách 42 chung cư cũ phải di dời.
Khu tập thể Nam Thành Công nằm trong danh sách 42 chung cư cũ phải di dời.

Dứt điểm di dời các hộ dân 

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Tập thể lãnh đạo UBND thành phố. Tập thể thống nhất và đánh giá, công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua đã được tích cực chỉ đạo.

Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay, số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít. Dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai. Tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra. 

Để khắc phục, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy. Phối hợp khẩn trương với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ. Bên cạnh đó, kiến nghị các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách… để đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn thực hiện.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chuẩn bị vốn để lập quy hoạch các khu chung cư cũ bằng nguồn ngân sách.

Về công tác nghiên cứu lập quy hoạch các khu chung cư cũ trên địa bàn giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Rà soát, tổng hợp các hồ sơ nghiên cứu ý tưởng quy hoạch một số khu chung cư cũ do doanh nghiệp đề xuất đã hoàn thành để tham khảo.

Tổng hợp cùng Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ hoàn thiện báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo.

Đối với những hồ sơ đề xuất ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ do doanh nghiệp chậm thực hiện, đã quá thời hạn, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông báo tạm dừng thực hiện. Việc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ sẽ được xem xét sau khi có chỉ đạo của Thành ủy.

Đối với các nhà chung cư cũ đã được kiểm định, đánh giá mức độ nguy hiểm cấp độ D, giao Sở Xây dựng, UBND các quận liên quan, khẩn trương thực hiện dứt điểm việc tạm cư. Di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm để triển khai thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại. Báo cáo kết quả thực hiện, tham mưu đề xuất UBND thành phố.

Tìm nhà đầu tư mới

Liên quan đến cải tạo, xây dựng chung cư cũ trên địa bàn thành phố, trước đó, Hà Nội thông báo về việc chấm dứt nhiệm vụ nghiên cứu lập quy hoạch đối với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghệ cao (Decotech) tại khu tập thể Nam Thành Công (phường Láng Hạ, quận Đống Đa). Nguyên nhân là đơn vị này thực hiện chậm tiến độ theo yêu cầu và quá thời hạn nhà đầu tư cam kết.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa tiếp tục kêu gọi, tìm các nhà đầu tư có nhu cầu tham gia nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nam Thành Công.

Được biết, khu tập thể Thành Công gồm 67 dãy nhà được xây dựng từ những năm 1960 - 1970. Cho đến nay nhiều đơn nguyên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Khu tập thể này nằm trong danh sách 42 chung cư cũ phải di dời khẩn cấp do UBND Hà Nội công bố từ năm 2016. Tòa nhà G6A thuộc khu này bị đánh giá là một trong hai chung cư nguy hiểm nhất Hà Nội. 

Hiện Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cũ cao từ 3 - 5 tầng và 10 khu thấp tầng. Hà Nội đã giao 17 nhà đầu tư triển khai lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ. 

Đến nay, khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và giao chủ đầu tư xây dựng. Khu tập thể 3 tầng phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) đã được chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Đối với 22 khu còn lại có 9 khu chung cư cũ đã báo cáo UBND thành phố lần 2, 8 khu đã báo cáo lần 1. Còn 5 khu chưa nộp phương án.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình có văn bản đề nghị lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu chung cư cũ Giảng Võ bằng vốn ngân sách để đẩy nhanh tiến độ.

Tại Văn bản 461 (ngày 6/10/2020), thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND quận Ba Đình, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố tổ chức rà soát căn cứ tính cấp bách, sự cần thiết và quy định pháp luật hiện hành, tham mưu đề xuất UBND thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...