Sẽ có những chính sách phù hợp hơn cho vùng đồng bào biên giới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được áp dụng vừa theo đối tượng, vừa theo địa bàn.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Để mỗi người dân biên giới là 'một cột mốc sống'

Tuy nhiên, theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn đại biểu Quốc hội Lạng Sơn), chính sách này chưa thỏa đáng đối với các khu vực đặc thù như khu vực biên giới.

Đại biểu phân tích, khu vực biên giới đa số là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một số nơi là vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, khu vực này còn mang trọng trách là "phên dậu" của quốc gia.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ biên cương, bờ cõi của dân tộc. Tuy nhiên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái nhận thấy, đối với khu vực đặc biệt khó khăn, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì không còn được hưởng các chính sách theo địa bàn nữa.

Đây là vấn đề mà cử tri tỉnh Lạng Sơn và một số tỉnh biên giới rất quan tâm và mong muốn được biết quan điểm của Ủy ban dân tộc về vấn đề này. Đại biểu đại biểu Chu Thị Hồng Thái đặt vấn đề, các chính sách hiện nay đã đủ để giữ chân đồng bào và thu hút lao động đến làm việc ở khu vực biên giới hay chưa?

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái.

“Nên có chính sách đặc thù riêng cho khu vực biên giới hay không, để mỗi người dân biên giới là “một cột mốc sống” như Nghị quyết số 33 ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 33) đã nêu? - đại biểu Chu Thị Hồng Thái đặt câu hỏi.

Cần những chính sách đủ mạnh

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay, cả nước có 25 có vùng biên giới; trong đó có 22 tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với khoảng 2 triệu người.

Đánh giá về thực hiện Nghị quyết 33, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã có Báo cáo đánh giá về phát triển kinh tế - xã hội gửi Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Hiện nay, phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển thì một số các xã, thôn có người dân tộc thiểu số sinh sống nhưng ở xã biên giới không còn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nữa. Vì thế, một số chính sách được thụ hưởng của giai đoạn trước không tiếp tục được thụ hưởng nữa.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Để tháo gỡ vấn đề này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay, có 12 chính sách. Các bộ, ngành sẽ giải quyết và xử lý 12 chính sách này và bổ sung thêm các đối tượng không thuộc diện ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, sẽ giải quyết được một phần khó khăn của đồng bào ở các xã biên giới, huyện biên giới.

Mặc dù thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để đầu tư cho vùng biên giới theo Nghị quyết 33; tuy nhiên, đời sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và các xã vùng biên giới, các huyện vùng biên giới nói chung vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, đây là những vùng khó khăn nhất, hiểm trở, xa và điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều vất vả; do đó cần có những chính sách đủ mạnh trong thời gian tới.

“Với trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, chúng tôi cho rằng, cần tổng kết lại Nghị quyết 33 và sẽ có những chính sách phù hợp hơn để hỗ trợ cho phát triển vùng đồng bào biên giới” – Bộ trưởng Hầu A Lềnh trao đổi, đồng thời bày tỏ, những chính sách này sẽ được đánh giá tổng kết trong thời gian tới để đề xuất các chính sách phù hợp hơn” – Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhìn nhận.

"Đầu tư về hệ thống cơ sở hạ tầng ở vùng biên giới, đường vành đai biên giới để bố trí, sắp xếp không gian sinh sống, tạo sinh kế để người dân. Qua đó, một mặt là phát triển kinh tế - xã hội nhưng gắn với đảm bảo "phên dậu" của Tổ Quốc và đảm bảo gìn giữ biên cương của Tổ Quốc" - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.