Sẽ có cuộc cạnh tranh khốc liệt với ca sĩ, diễn viên ảo?

GD&TĐ - Công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI đang 'lầm lũi tấn công' vào ngành công nghiệp giải trí trên toàn cầu.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Những ca sĩ AI đã xuất hiện ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, có một đời sống phong phú, trở thành idol có lúc còn “đắt giá” hơn cả idol người thực.

Ca sĩ này cũng đã xuất hiện tại Việt Nam, ban đầu là Michau và Damsan tại lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô 2022 ở TP Hồ Chí Minh qua hình thức trình chiếu hologram. Mới đây là Ann với MV “Làm sao nói thương anh”, đạt hơn 200 nghìn lượt xem.

Hay nữ diễn viên AI đã xuất hiện - Ly Lý trong vai Nhị Tráng (phim “Dị nhân chi hạ” của Trung Quốc). Bất ngờ là, chỉ đến khi nhà sản xuất tiết lộ thì khán giả mới té ngửa Nhị Tráng do diễn viên ảo thủ vai.

Điều đó cho thấy, khả năng sử dụng AI để tạo ra nhân vật đạt tới sự hoàn hảo không chỉ về hình dáng bên ngoài, mà còn cả diễn xuất, cảm xúc y như người thật, thậm chí có những biểu cảm sinh động, cuốn hút hơn làm khán giả… “đốn tim”.

Từ thành công đó, chắc chắn rằng trong tương lai sẽ ngày càng có nhiều diễn viên AI, không chỉ với những vai diễn thế vai cho diễn viên đời thực khó lòng thực hiện, mà còn tiến tới sự “soán chỗ”.

Cảnh báo này vẫn được đưa ra và đem lại không ít nỗi bất an. Đã từng có những phản ứng mạnh mẽ của diễn viên Hollywood khi các hãng phim đưa ra đề xuất quét và sở hữu bản sao AI của các diễn viên.

Và không bao lâu nữa mối đe dọa này cũng sẽ lan tới cả Việt Nam. Ví như với một Ann ảo ban đầu còn vụng về trong diễn xuất và tạo hình chưa chân thực nhưng vẫn được nhà sáng tạo định hướng không chỉ theo đuổi mô hình ca sĩ thần tượng, mà còn tham gia phim ảnh, thời trang, thương mại.

Rõ ràng, đây là cuộc cạnh tranh khốc liệt trong tương lai khi nhà sản xuất thấy rõ diễn viên ảo đem lại nhiều lợi ích kinh tế từ việc không cần quan tâm đến sức lực mà luôn “biết điều”, phục tùng vô biên.

Nhưng dù lợi thế thế nào thì diễn viên AI cũng chỉ là được tạo ra từ công nghệ và cần những khuôn mẫu để vận hành. Bởi vậy, sự biến hóa về diễn xuất, nhất là biểu đạt cảm xúc sẽ chỉ đạt được ở một mức độ nhất định và luôn lệ thuộc vào chất liệu từ người thực.

Nhất là, “phản ứng hóa học” trong quá trình tương tác với bạn diễn của diễn viên ảo chắc chắn khó biến hóa trong muôn hình, muôn vẻ. Cũng bởi, nghệ thuật diễn xuất bên cạnh kỹ thuật điêu luyện thì còn cần những giây phút thăng hoa mà nhiều khi chính diễn viên ấy cũng không thể hiểu được vì sao giây phút ấy lại xuất thần như thế, không thể làm lại!

Bên cạnh đó, việc đưa công nghệ vào nghệ thuật, kể cả vai diễn là xu hướng tất yếu của thời đại, song ứng dụng ở mức độ nào, cái tâm của nhà sản xuất đến đâu, nhất là thái độ tiếp nhận của công chúng ra sao là điều đáng bàn hơn cả.

Nếu công chúng không cổ súy cho một nền phim ảnh chỉ có diễn viên ảo thì mối lo kia có phần vội vàng. Dẫu vậy, tấm vé quyết định vẫn thuộc về mỗi nghệ sĩ, bằng tài năng, nếu như không lao động nghiêm túc, tận tâm, xuất hiện trên màn ảnh chỉ là những cái máy diễn thì chưa thể nói trước điều gì!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ