Tự vệ trước AI

GD&TĐ - Các nước trên thế giới đang nghiên cứu và lần lượt đưa ra các luật, bộ quy tắc quản lý AI để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Với sự phát triển chóng mặt của trí tuệ nhân tạo (AI), các nước trên thế giới đang nghiên cứu và lần lượt đưa ra các luật, bộ quy tắc quản lý AI để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Mới nhất vào ngày 19/9, Cơ quan cạnh tranh và thị trường của Anh (CMA) đã ban hành Bộ Quy tắc định hướng quản lý hoạt động phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp trước những tác động tiêu cực của công nghệ này.

Bộ quy tắc mà Anh ban hành nhằm mục đích điều chỉnh những mô hình AI tạo sinh như phần mềm ChatGPT đình đám thời gian qua, bằng cách ràng buộc các nhà phát triển AI phải chịu trách nhiệm cho sản phẩm của mình. Trong khi đó, các sản phẩm AI tạo sinh cũng đã trở thành chủ đề nóng trong các cuộc đàm phán quốc gia và toàn cầu sau khi ChatGPT được phát hành.

Về mặt bản chất, AI tạo sinh là các công cụ cho phép người sử dụng tạo ra nhiều nội dung mới dựa trên dữ liệu đầu vào khác nhau. Bằng cách sử dụng các sản phẩm như ChatGPT, người sử dụng có thể chẩn đoán y học, viết kịch bản, tạo bản tóm tắt pháp lý và phần mềm gỡ lỗi cùng nhiều ứng dụng khác.

Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến mối lo ngại về cách công nghệ này có thể vi phạm quyền riêng tư, đưa ra quyết định sai lệch về việc làm, lừa đảo quyền lực và tạo ra thông tin sai lệch, ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả trên quy mô quốc gia. Nói cách khác, AI là một trợ thủ đắc lực trong việc nâng cao năng suất lao động nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.

Đó là lý do các nước đang tập trung nghiên cứu các luật, bộ quy tắc ứng xử liên quan đến AI. Trước Anh, vào tháng 6/2023, các Thượng nghị sĩ Mỹ cũng giới thiệu 2 dự luật trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ này đang gây nhiều lo ngại cho chính phủ, nhà lập pháp và cả người dùng Mỹ.

Dự luật đầu tiên được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Gary Peters, người đứng đầu Ủy ban An ninh nội địa Mỹ, cùng với các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Braun và James Lankford. Dự luật này yêu cầu các cơ quan trong Chính phủ Mỹ phải thông báo với người dân khi sử dụng AI để tương tác với họ. Đồng thời, tạo phương thức để người dân có thể kháng cáo đối với bất kỳ quyết định nào do AI đưa ra.

Dự luật thứ hai do các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Michael Bennet và Mark Warner, cùng với Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Todd Young đề xuất thành lập Văn phòng phân tích cạnh tranh toàn cầu, với mục đích đảm bảo khả năng cạnh tranh của Mỹ luôn dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ AI.

Trên quy mô lớn hơn, tại Hội nghị G7 mở rộng ngày 20/5 vừa qua, các lãnh đạo khối đã kêu gọi phát triển và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với AI, nhằm thúc đẩy công nghệ AI phát triển có trách nhiệm và đáng tin cậy hơn.

Cùng thời gian này, Dự luật quản lý AI chung ở châu Âu cũng thông qua vòng bỏ phiếu quan trọng, khi cơ quan chuyên trách của Nghị viện châu Âu (EP) thông qua hơn 3.000 điều chỉnh trong dự luật.

Điểm chung của các dự thảo luật và quy tắc ứng xử mà các nước đang nghiên cứu cho ra đời hiện này là quan điểm đã đến lúc cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ các công cụ do công nghệ AI tạo ra, song song với việc thúc đẩy sự phát triển sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ