(GD&TĐ)-Đó là một trong những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao trong phiên thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay (17/4).
Cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên (ảnh MH) |
Về các sản phẩm cấm quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nhận định: Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, việc quảng cáo rượu vang và rượu mạnh phải tuân thủ các quy định của Nhà nước trên cơ sở không phân biệt đối xử. Để đảm bảo nguyên tắc này, không làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của Việt Nam và để người tiêu dùng có ý thức cao hơn về tác hại khi lạm dụng rượu, Dự thảo Luật đã quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch quảng cáo ngoài trời, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa về nội dung và nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời, cụ thể là bổ sung thêm một số nguyên tắc xây dựng quy hoạch như: phải đảm bảo tính ổn định, kế thừa quy hoạch đã có sẵn; quan tâm đến điểm tiếp giáp giữa các tỉnh để đảm bảo thống nhất, hài hòa giữa các địa phương;
Dự thảo lần này cũng đã bổ sung quy định thời gian cụ thể các tỉnh phải hoàn thành quy hoạch quảng cáo là 12 tháng sau khi luật này có hiệu lực; phải niêm yết văn bản quy hoạch tại trụ sở UBND các cấp và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị bổ sung vào dự luật điều khoản cấm những quảng cáo có nội dung bất bình đẳng giới.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và một số ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định cấm định kiến về giới trong quảng cáo. Khi hiện nay hình ảnh quảng cáo lau nhà rửa bát nấu cơm chỉ có phụ nữ, còn đàn ông bước ra từ xe hơi sang trọng, tay cầm điện thoại đắt tiền, chỉ ngồi ở phòng làm việc, theo một số vị đại biểu Quốc hội là thể hiện định kiến về giới.
Đại diện Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã tiếp thu ngay tại phiên thảo luận.
Tham dự phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến nhận xét, hiện có nhiều quảng cáo về khám bệnh, chữa bệnh quá thổi phồng sự thật. Theo đó, ông đề nghị, các cơ sở khám, chữa bệnh (kể cả cơ sở dịch vụ thẩm mỹ) phải có giấy phép mới được quảng cáo, nội dung quảng cáo phải do cơ quan quản lý chuyên môn thẩm định. Các sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.
Trong phiên thảo luận này, các đại biểu cũng nêu ý kiến không nên quy định diện tích quảng cáo trên báo điện tử vì người sử dụng phương tiện điện tử có thể hoàn toàn chủ động tắt, mở các nội dung mình cần nên dự thảo luật đã bỏ quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lựa chọn của độc giả, dự thảo luật đã bổ sung quy định: phần quảng cáo cố định không được lẫn vào phần nội dung tin. Đối với quảng cáo không cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây sau khi nhấp chuột.
Về ý kiến cho rằng không nên cho phép quảng cáo trên trang chủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh: hiện nay quảng cáo là nguồn thu duy nhất của hầu hết các báo điện tử nên nếu cấm quảng cáo trên trang chủ đồng nghĩa với việc chấm dứt sự tồn tại của báo điện tử.
Tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Quảng cáo
Nguyễn Sơn