Đây là một điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động của Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hoá – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 năm 2016.
Tham gia giao lưu trình diễn cồng chiêng lần này, ngoài sự tham gia đông đảo số lượng các nghệ nhân cao tuổi, mà còn có một số lượng lớn các nghệ nhân trẻ, thanh niên, thiếu niên và các em học sinh đến từ các cơ sở giáo dục.
Đây là kết quả của sự nỗ lực của các tỉnh Tây Nguyên trong việc thực hiện bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong suốt 10 năm qua kể từ khi không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Buổi giao lưu trình diễn cồng chiêng thu hút đông đảo người dân, du khách đến xem và thưởng thức. Trong không gian nhà rông Kon Klor, tiếng cồng chiêng được các đoàn nghệ thuật trình diễn hòa nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm nương rẫy, không gian lễ hội… của cả vùng Tây Nguyên.
Sự hòa quyện âm điệu, tiết tấu của ba loại nhạc cụ (trống, cồng, chiêng) với ngôn ngữ hình thể của người biểu diễn đã tạo nên những tiết mục trình diễn nghệ thuật hết sức độc đáo, đưa người nghe, người xem đến một thế giới tâm linh huyền ảo của vùng đất sử thi.