Từ vụ nâng khống giá thiết bị tại BV Bạch Mai: Kiểm toán bóc mẽ những chiêu bài "ăn trên lưng người bệnh"

GD&TĐ - Liên quan đến 3 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi chiếm đoạt tiền của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra thủ đoạn của các đối tượng này.

Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bachmai.gov.vn
Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bachmai.gov.vn

Hé lộ thủ đoạn của các đối tượng

Ngày 26/2/2020, Kiểm toán Nhà nước đã có Báo cáo kết quả kiểm toán số 24/BC-KTNN về các bệnh viện (BV) công lập giai đoạn 2016-2020. Theo đó, báo cáo này cho thấy, các trang thiết bị tại BV Bạch Mai bị che mờ về giá trị nhập khẩu, làm ảnh hưởng đến việc xác định giá trị đưa vào liên doanh liên kết.

Cụ thể, BV Bạch Mai đã liên doanh với bên ngoài như: liên kết với Công ty TNHH Công nghệ y tế Hà Nội về máy chụp CT3 đặt tại Khoa thần kinh, chênh lệch thu chi sau 17 tháng  bằng 2,2 lần giá trị máy; liên kết đặt máy CT 32  tại Khoa khám bệnh, sau 1 năm chênh lệch thu chi bằng 3 lần giá trị máy. BV còn chấp nhận cơ cấu giá dịch vụ bao gồm cả tiền lãi vay mua máy của đối tác.

Một số máy mua từ nguồn thu nhàn rỗi, nhưng BV Bạch Mai lại lập đề án để thực hiện xã hội hóa dạng đặt mua máy để thu giá dịch vụ cao hơn giá ban hành của Bộ Y tế với tổng thu năm 2016-2018 cao hơn giá quy định là 45 tỷ đồng. Một số loại hình phẫu thuật đã có trong cơ cấu giá, nhưng BV vẫn thu thêm với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng. BV Bạch Mai còn bán một số thuốc cho bệnh nhân không nằm trong danh mục đấu thầu hoặc kê khai các loại thuốc trên khi chưa được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược.

Ngoài ra, BV còn chậm quyết toán dự án hoàn thành so với quy định về quyết toán dự án hoàn thành, điển hình là gói thầu cải tạo, sửa chữa nhà A9 (hợp đồng ngày 21/9/2015) có trị giá hơn 4,9 tỷ đồng; gói thầu cải tạo, sửa chữa khu nhà A (hợp đồng ngày 30/3/2016) trị giá hơn 1,3 tỷ đồng...

Đối với các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, một số thiết bị nhập khẩu chưa có giấy phép nhập khẩu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng vẫn được chấp nhận trúng thầu. KTNN còn phát hiện BV Bạch Mai đã chi từ quỹ phúc lợi cho cán bộ đi nước ngoài 6,7 tỷ đồng.

Cảnh báo việc đầu tư công ồ ạt tại nhiều bệnh viện

Thông tin trên Báo Tiền phong, TS Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho biết, không chỉ Bạch Mai, tại nhiều BV công xảy ra hiện tượng thu vượt, thu sai các khoản trong cơ cấu giá…, một số đơn vị còn chia lợi nhuận cho đối tác khi đã hết thời gian liên doanh, liên kết.

“KTNN đã đề nghị chấm dứt tình trạng thu các khoản thu đã kết cấu trong cơ cấu giá; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để tránh việc lạm dụng dịch vụ kỹ thuật không cần thiết làm tăng chi phí cho người bệnh; rà soát lại các khoản thu chưa có trong cơ cấu giá..., rà soát lại mức thu đối với các bệnh nhân không có thẻ BHYT, đảm bảo thu đúng theo quy định của Nhà nước” – Tiến sĩ Thăng nói.

Đối với hoạt động liên doanh, liên kết, KTNN đề nghị không đưa vào cơ cấu giá các khoản lãi vay mua máy của đối tác, đàm phán với các đối tác điều chỉnh giảm giá hoặc giảm thời gian liên kết và tỷ lệ phân chia phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, trong đó có lợi ích của người bệnh.

Dù Bộ Y tế đã xây dựng trong kết cấu giá tiền giường thuộc BV hạng I có các trang thiết bị phục vụ người bệnh như, điều hòa, máy hút ẩm, quạt thông gió, cây nước…một số BV không trang bị nhưng người bệnh vẫn phải chi trả một khoản chi phí bất hợp lý này.

Theo TS Lê Đình Thăng, KTNN cảnh báo việc đầu tư công ồ ạt tại nhiều BV dựa trên nguồn vốn vay không được kiểm soát kỹ có thể dẫn đến rủi ro về hiệu quả đầu tư và lãi suất khoản vay. Không những thế, toàn bộ chi phí phát sinh sẽ được cộng dồn vào chi phí khám chữa bệnh (KCB), đẩy giá khám chữa bệnh lên cao, vượt quá khả năng chi trả của người bệnh.

Kết quả kiểm toán một số năm gần đây cho thấy, tại một số đơn vị còn chia lợi nhuận cho đối tác khi đã hết thời gian liên doanh, liên kết…Thậm chí có trường hợp ký hợp đồng liên kết với thời gian thực hiện dài hơn vòng đời thiết kế và khấu hao của máy móc thiết bị; có công ty bên ngoài đưa máy móc tham gia liên kết với BV công nhưng sử dụng hóa chất độc quyền do chính họ cung cấp.

Bị can Phạm Đức Tuấn và bị can Ngô Thị Thu Huyền vừa bị khởi tố.
Bị can Phạm Đức Tuấn và bị can Ngô Thị Thu Huyền vừa bị khởi tố.

Trước đó, ngày 31/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) và Ngô Thị Thu Huyền (sinh năm 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (sinh năm 1978, Thẩm định viên Công ty VFS).

Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ