Loạn giá máy xét nghiệm COVID-19: Sẽ kiểm toán việc mua sắm thiết bị y tế

Loạn giá máy xét nghiệm COVID-19: Sẽ kiểm toán việc mua sắm thiết bị y tế

Đến thời điểm này, những vấn đề đó vẫn còn hiển hiện nhìn từ sai phạm của CDC Hà Nội và việc loạn giá máy xét nghiệm COVID-19 của nhiều địa phương.

Lỗ hổng từ chỉ định thầu

Sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, nhiều tỉnh bắt đầu rà soát lại việc mua sắm thiết bị y tế. Sự việc của CDC như một hồi chuông cảnh tỉnh cho hình thức chỉ định thầu các loại dịch vụ, mua sắm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Theo TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành III, Luật Đấu thầu hiện nay cho phép áp dụng nhiều hình thức như đấu thầu rộng rãi, đấu thầu rút gọn, chỉ định thầu… Trong lúc cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước và toàn thể nhân dân cùng lo chống dịch thì chúng ta không thể cứng nhắc phải thực hiện đấu thầu với nhiều thủ tục rườm rà phức tạp thì giải pháp chỉ định thầu là lối mở để đáp ứng tình trạng khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng từ đây, nhiều tiêu cực nảy sinh.

Trước đó, qua chuyên đề kiểm toán về công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, công tác đấu thầu tại nhiều nơi có nhiều vấn đề như chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu trang thiết bị y tế; phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất...

Cơ sở y tế "tù mù" về giá

Ngoài ra, TS. Lê Đình Thăng cũng chỉ ra rằng, rủi ro trong quản trị, mua sắm thiết bị y tế rất lớn. Theo đó, phần lớn các trang thiết bị y tế được mua sắm là các loại trang thiết bị phải nhập khẩu, không có sẵn tại thị trường trong nước. Chính vì vậy, các cơ sở y tế mua thiết bị nhưng cũng không hề biết chính xác giá. Thêm vào đó, việc từ khâu nhập khẩu phân phối đến tay các cơ sở y tế phải qua nhiều tầng nấc trung gian cũng là một yếu tố đẩy giá máy lên cao. Thậm chí nhiều công ty nhập khẩu nhưng không phân phối trực tiếp đến cơ sở y tế mà qua các khâu phân phối trong nước.

“Chưa kể đến việc cung cấp máy móc mang tính độc quyền, nhất là độc quyền cung cấp hóa chất, nên suốt cả vòng đời máy luôn phụ thuộc vào một nhà cung cấp. Đây cũng là yếu tố góp phần đẩy chi phí khám chữa bệnh lên cao nếu không có sự kiểm soát“, TS. Lê Đình Thăng nói.

Để khắc phục tình trạng "doanh nghiệp báo giá bao nhiêu, cơ sở y tế phải cấp nhận mua bấy nhiêu", TS. Lê Đình Thăng cho rằng cần có kết nối thông tin giữa hải quan và bệnh viện, để hải quan cung thông tin cấp tờ khai hải quan mua sắm thiết bị y tế để cơ sở y tế nắm được giá. Ngoài ra, việc công khai, minh bạch từ kế hoạch mua sắm đến giá cả mua sắm, sử dụng, vận hành sẽ là yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát giá cả mua sắm thiết bị, vật tư y tế.

“Thanh tra, kiểm toán sẽ vào cuộc tiến hành hậu kiểm việc mua sắm các gói trang thiết bị y tế sau khi dịch bệnh qua đi. Tuy nhiên, đây là thời điểm cần nêu cao trách nhiệm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh. Chúng ta cũng cần lên án trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp trong việc báo giá, nâng giá bán để kiếm lời từ nguồn kinh phí ít ỏi phục vụ phòng chống dịch bệnh. 

Trong lúc cả nước chống dịch, toàn Đảng, toàn quân và từng người dân chung sức chung tay, góp sức chống dịch, mà những cán bộ y tế trực tiếp làm nhiệm vụ mua sắm và doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế lại bắt tay, trục lợi là hành vi vô cùng xấu xí, khó có thể chấp nhận cần xử lý nghiêm”, TS. Lê Đình Thăng nhấn mạnh.

Theolaodong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ