Sau thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ tăng kỷ lục

GD&TĐ - Do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên ngay sau khi thi tốt nghiệp THPT nhiều thí sinh tại TPHCM đã chọn phương thức xét tuyển ĐH bằng học bạ.

Thí sinh tìm hiểu và nộp hồ sơ xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Thí sinh tìm hiểu và nộp hồ sơ xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Ghi nhận nhanh tại nhiều trường ĐH cho thấy, số lượng hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT tăng nhanh. Không ít trường gần như đã dư hồ sơ cho phương thức này.

Hồ sơ tăng khoảng 10% sau thi

Dịch bệnh tại TPHCM diễn biến ngày càng phức tạp nên số lượng đăng ký xét tuyển học bạ THPT ghi nhận chủ yếu ở hình thức đăng ký trực tuyến và hồ sơ gửi qua bưu điện. Tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cả hai hình thức xét tuyển học bạ là xét tuyển học bạ 3 học kỳ và xét tuyển học lớp 12 theo tổ hợp 3 môn đều hút  thí sinh đăng ký ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp.

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung- Phó trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TPHCM cho biết: Số lượng hồ sơ xét học bạ tăng khoảng 12% so với thời điểm trước, chủ yếu ở nhóm ngành hot như Công nghệ thông tin, Dược, Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học, Quản trị Kinh doanh...

Ông Bùi Quang Trung- Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: Thống kê nhanh sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, số hồ sơ xét học bạ nộp về trường qua đường bưu điện và online tăng khoảng 700-800 hồ sơ so với thời điểm trước. Tổng số hồ sơ xét học bạ nộp về trường đến thời điểm này vào khoảng 28-29.000 hồ sơ.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng ghi nhận số hồ sơ xét tuyển online bằng phương thức học bạ tăng nhanh (gần 10%) sau khi kỳ thi kết thúc. Tập trung nhiều vào các ngành như Quản trị kinh doanh, Marketing, Công nghệ thông tin, Ô tô , Du lịch.

TS Nguyễn Trung Nhân- Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho hay: Tổng chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ năm nay của nhà trường là 30%. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ xét cho phương thức này hiện khá cao. Nhưng nguy cơ ảo cũng rất lớn nên chưa thể lường trước điều gì. Mặt khác, do TPHCM đang giãn cách nên một số trường THPT không thể hỗ trợ thí sinh công chứng học bạ THPT, cũng gây khó khăn cho các em trong việc hoàn thiện hồ sơ. 

Số hồ sơ xét bằng phương thức học bạ của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cũng tăng nhanh. ThS Phạm Thái Sơn- Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & truyền thông cho biết: Hồ sơ đã nhận được qua đường bưu điện thống kê được tầm 2.400 bộ. Những ngành có hồ sơ tăng là Quản trị kinh doanh, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Kế toán, Kinh doanh quốc tế ...

Thí sinh nộp hồ sơ theo hình thức xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Kinh tế- Tài chính TPHCM.
Thí sinh nộp hồ sơ theo hình thức xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Kinh tế- Tài chính TPHCM.

Vẫn dè chừng nguy cơ ảo

"Lượng hồ sơ năm nay chắc chắn tăng hơn so với  năm ngoái do dịch Covid-19 và do mới thi tốt nghiệp THPT xong.  Nhưng dự đoán lượng nhập học sẽ tương tự như năm ngoái vì các em sẽ nộp hồ sơ vào nhiều trường và nhiều ngành để chắc chắn có suất vào đại học. Do vậy, dự đoán lượng nhập học cũng chỉ tầm khoảng từ 20% - 30%"- ThS Sơn nói. 

Là trường dành chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ khá ít nên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển cho phương thức trên từ 15/6. Tuy nhiên, sau khi thi tốt nghiệp THPT, số lượng thí sinh gọi điện thoại hỏi về phương thức xét tuyển này khá nhiều. 

ThS Nguyễn Anh Vũ-Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM chia sẻ: Năm nay, chỉ tiêu xét học bạ THPT và điểm thi đánh giá năng lực  (ĐHQG TPHCM) của trường khoảng 700 chỉ tiêu (chiếm 20-25% tổng chỉ tiêu) nhưng hiện  có 8.100 hồ sơ đăng ký. Trường đã công bố điểm chuẩn từ 15/6, sau khi thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ làm thủ tục xác nhận nhập học và nhập học. Nếu thiếu sinh viên so với chỉ tiêu, trường sẽ thông báo tuyển tiếp. 

Nhìn nhận  tỉ lệ “ảo” của phương thức tuyển sinh học bạ là rất cao, Tiến sĩ Trần Đình Lý- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng:  Thời điểm hiện tại  chưa có giải pháp hiệu quả nào là hạn chế và lọc bớt tỉ lệ “ảo” của phương thức này bởi thí sinh được quyền đăng ký nguyện vọng theo phương thức trên vào nhiều trường.

Việc lọc “ảo” chỉ có thể hiệu quả sau khi kỳ thi tốt nghiệp kết thúc, các trường đủ điều kiện công bố thí sinh trúng tuyển và yêu cầu xác nhận nhập học từ thí sinh. 

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ