Sau nghỉ dịch Covid-19, cô giáo lên rẫy vận động học sinh tới trường

Sau nghỉ dịch Covid-19, cô giáo lên rẫy vận động học sinh tới trường

Thời điểm này, tại các thôn, bản người dân miền núi vào rừng, lên rẫy gieo cái hạt. Ở những nơi này, trẻ em dù mới độ tuổi lên 10 phải nghỉ học phụ giúp gia đình. Những giáo viên nơi đây đã lặn lội tới từng thôn, bản, tìm tới tận nhà thông báo, vận động học sinh quay trở lại trường. 

Từ ngày tạm nghỉ học tránh dịch, em Ra Đêl Nhi, 15 tuổi, ở xã Dang thường xuyên lên rẫy phụ giúp bố, mẹ. Là học sinh lớp 9/1, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Tây Giang em đi học cách xa nhà hơn 10 km. Ra Đêl Nhi cho biết, gia đình em rất khó khăn, có khi bố mẹ phải lên rẫy ở trên đó cả tháng mới về một lần.

“Em nghỉ học ở nhà để giúp bố, mẹ làm nương rẫy. Bố mẹ già rồi, tội lắm thường xuyên đau ốm. Hôm nay em đến lớp sau khi được thầy cô giáo động viên, vận động nhiều lần. Gặp lại thầy cô, bạn bè em vui lắm, nhưng nghĩ đến bố, mẹ lại thương”, em Ra Đêl Nhi chia sẻ.

Trước ngày học sinh trở lại trường, thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Tây Giang đã liên hệ với trưởng cụm các khu dân cư nhắc nhở gia đình để các em đến trường. Nhưng có những cụm dân cư nằm trong rừng, nhiều lúc điện thoại không có sóng nên không thể liên lạc, thông báo được. Để đảm bảo học sinh đến trường đầy đủ, nhà trường đã cử thầy, cô đi xe máy về tận nhà tìm các trò.

Năm học này, trường sáp nhập toàn bộ học sinh THCS từ Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS và Tiểu học xã Dang nên có hơn 400 em học sinh. Thầy Lương Văn Dân, giáo viên bộ môn Ngữ Văn trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết, trường có 9 em học sinh chưa tới lớp học vào 4/5 vừa qua. Sau 3 ngày không thấy các em tới trường trường, giáo viên trong trường đã chia ra nhiều nhóm đến tận nơi vận động các em. 

Thầy Lương Văn Dân cho biết, địa hình phức tạp nên gia đình nhiều em ở cách xa trung tâm huyện 4 tiếng đồng hồ: "Sau một thời gian dài nghỉ chống dịch, các em đi làm rẫy theo bố mẹ, nên giáo viên xác định đi vận động ví dụ như đi lúc 4h chiều mình đi để 5h chiều phụ huynh họ về cho kịp thời. Phía nhà trường cũng kết hợp với chính quyền xã, đồn biên phòng... để vận động tích cực hơn cho các em ra đi học bền vững hơn”.

Bà Lê Kim Vân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 3 tháng học sinh phải tạm không đến trường vì dịch Covid-19, khi quay trở lại học toàn huyện có gần 30 em học sinh chưa tới trường, học “giã gạo” bữa đi, bữa không, hoặc đi một vài buổi học rồi nghỉ, chủ yếu là các em học sinh cấp 2 ở những xã xa trung tâm huyện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em không quay trở lại trường như: một số em học yếu, lưu ban… sinh chán nản; hay một số em nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Ngành Giáo dục huyện và các cấp, ngành, Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến xã, thôn tích cực vận động học sinh ra lớp; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý, chăm sóc con cái, nhất là quan tâm đến việc học của con em mình.

Bà Lê Kim Vân cho biết thêm, để củng cố kiến thức cho các học sinh Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo giáo viên các trường tăng cường ôn tập thêm cho các em vào các buổi tối đảm bảo có thể theo kịp chương trình chung của Bộ giáo dục và Đào tạo.

"Trên chương trình giảm tải, giáo viên dạy những phần nào quan trọng liên quan đến chương trình những năm tiếp theo. Còn những nội dung mà các em đã học trong chương trình khi nghỉ dịch, các thầy cô lồng ghép trong khi dạy học trên lớp, vừa ôn tập lại, vừa kiểm tra và vừa dạy bài mới", bà Vân thông tin thêm./.

Theo vov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.