Sáu công trình tưởng niệm tình yêu của phụ nữ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dưới đây là sáu địa điểm trên thế giới do phụ nữ khởi xướng vì tình yêu của họ.

Đài tưởng niệm hôn nhân.
Đài tưởng niệm hôn nhân.

Trên thế giới có rất nhiều kiến trúc nổi tiếng được xây dựng bởi nam giới để tưởng nhớ những người họ yêu thương, từ đền Taj Mahal (Ấn Độ) đến Lâu đài Torrechiara (Italy), nhưng rất hiếm công trình như vậy phát xuất từ phụ nữ.

Để tôn vinh những người thân yêu bằng đền thờ, lăng mộ, tác phẩm điêu khắc và giếng bậc thang, họ đã phá vỡ truyền thống hoàng gia, phản đối luật bất bình đẳng hoặc thay đổi xu hướng kiến trúc.

Dưới đây là sáu địa điểm trên thế giới do phụ nữ khởi xướng vì tình yêu của họ.

Lăng mộ hoàng gia tại Frogmore - Anh

Lăng mộ Hoàng gia.

Lăng mộ Hoàng gia.

Khi người chồng 42 tuổi của Nữ hoàng Victoria, ông hoàng Albert, đột ngột qua đời vì bệnh vào năm 1861, người đứng đầu nước Anh cảm thấy buồn đau và không thể nguôi ngoai nỗi nhớ người phối ngẫu.

Nhà sử học người Anh, Tracy Borman, tác giả cuốn Crown & Sceptre: A New History of the British Monarchy (Vương miện & Quyền trượng: Lịch sử mới của nền quân chủ Anh), cho biết: “Nữ hoàng đã dành phần đời còn lại của mình để tưởng nhớ ông ấy, để tang và mặc toàn đồ đen, rút lui khỏi các hoạt động xã hội và công cộng, treo hình ảnh của ông ở chung quanh cung điện. Nữ hoàng đau buồn cũng tìm kiếm sự an ủi bằng cách đặt các bức tượng và đài tưởng niệm để tôn vinh ông”.

Ngay sau khi Albert qua đời, bà bắt đầu xây dựng một lăng mộ tại Frogmore, khu đất hoàng gia gần Lâu đài Windsor. Công trình này mãi đến năm 1871 mới hoàn thành. Ông hoàng Albert được yên nghỉ tại đây và bà cũng được chôn cất bên cạnh ông vào năm 1901 - không theo truyền thống hoàng gia về việc được an táng tại Tu viện Westminster hoặc Nhà nguyện St. George ở Windsor.

Khách du lịch không thể vào lăng mộ nhưng có thể xem công trình trang nghiêm từ khoảng sân được chăm chút cẩn thận của Frogmore House liền kề, nơi sẽ mở cửa trở lại cho công chúng vào cuối năm 2023.

Nếu có thể nhìn vào bên trong, người ta sẽ thấy được nội thất đầy màu sắc, lấy cảm hứng từ niềm đam mê của Albert đối với nghệ thuật thời Phục hưng của Italy. Tại trung tâm lăng mộ, một cỗ quan tài lộng lẫy của nữ hoàng ở bên cạnh Albert yêu dấu của bà.

Đền Kodai-ji - Nhật Bản

Đền Kodai-ji.

Đền Kodai-ji.

Nơi chân đồi rậm rạp của dãy núi Higashiyama ở Kyoto, Nhật, có một ngôi đền trang nghiêm mà thanh nhã được xây dựng để tưởng niệm con trai của một nông dân đã vươn lên trở thành một samurai lừng lẫy và giúp thống nhất Nhật Bản sau nhiều thế kỷ chiến tranh phong kiến. Tên ông là Toyotomi Hideyoshi.

Là một trong những ngôi đền được viếng thăm nhiều nhất ở Kyoto, Kodai-ji được người vợ đau buồn của Hideyoshi, Kita-no-Mandokoro, dựng lên để tưởng nhớ người chồng sau khi ông qua đời vào năm 1598.

Nội thất xa hoa và được trang trí lộng lẫy của ngôi đền được bổ sung và bao quanh bởi những khu vườn Thiền vô cùng xinh đẹp. Địa điểm này đã được chính phủ Nhật Bản chỉ định là Di sản Văn hóa.

Còn được gọi là Nene, góa phụ này đã trở thành một nữ tu Phật giáo và sống 19 năm tại Kodai-ji, nơi bà được an táng sau khi qua đời. David L. Howell, giáo sư Lịch sử Nhật Bản tại Đại học Harvard, cho biết, Hideyoshi tuy được chôn cất tại một địa điểm khác ở Kyoto, nhưng linh hồn của ông dường như lúc nào cũng ở Kodai-ji cùng với vợ.

“Mặc dù rất khó để nhìn vào tâm can của các lãnh chúa và bạn đời của họ, nhưng có vẻ như Hideyoshi và Nene đã hết lòng vì nhau”, ông nói. “Họ ở bên nhau khoảng 37 năm cho đến khi Hideyoshi qua đời. Giống như những người đàn ông quyền lực khác vào thời điểm đó, dù có rất nhiều thê thiếp vì mong mỏi có người thừa kế là nam giới nhưng ông ấy không bao giờ từ bỏ Nene”.

Đài tưởng niệm một cuộc hôn nhân ở New York - Mỹ

Tại Nghĩa trang Woodlawn của thành phố New York, biểu tượng tình yêu của hai người phụ nữ được tạc bằng đồng và bị đóng băng theo thời gian. Được gọi là “Đài tưởng niệm một cuộc hôn nhân”, tác phẩm điêu khắc này được sáng tạo bởi nghệ sĩ người Mỹ, Patricia Cronin vào năm 2002, thời điểm hôn nhân đồng giới bị xem là bất hợp pháp ở Mỹ .

Tác phẩm mô tả Cronin cùng người yêu khi đó và là “vợ” của bà hiện nay, Deborah Kass, đang ôm nhau bên dưới tấm trải giường, nằm trên khu chôn cất trong tương lai của họ. Cronin mô tả nó là “tượng đài bình đẳng hôn nhân đầu tiên trên thế giới”.

Cronin nói: “Hầu hết những người LGBTQ+, gia đình và đồng minh của họ sống trong các cộng đồng tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia ở nước ngoài phải chịu sự kỳ thị đồng tính mạnh mẽ. Nếu bạn yêu ai đó sâu sắc, tác phẩm này dành cho bạn, bất kể giới tính của bạn là gì”.

Nghĩa trang Woodlawn mở cửa cho công chúng và thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan có hướng dẫn viên. Một bản sao bằng đồng của tác phẩm trên được trưng bày vĩnh viễn tại Bảo tàng và Phòng trưng bày Nghệ thuật Kelvingrove ở Glasgow, Scotland.

Lăng mộ của Humayun - Ấn Độ

Lăng Humayun.

Lăng Humayun.

Là nguồn cảm hứng cho đền Taj Mahal nổi tiếng, Lăng mộ của Humayun nằm ở phía Đông Delhi, Ấn Độ, là một kho báu bằng đá cẩm thạch và sa thạch đỏ, kể về câu chuyện của một vị hoàng đế và tình yêu bền vững của người vợ ông ta.

Sau khi Humayun, người cai trị triều đại Mughal của Ấn Độ, qua đời do bị ngã vào năm 1556 ở tuổi 47, người vợ đầu tiên của ông, Bega Begum, đã xây dựng lăng mộ này để tưởng nhớ chồng.

Najaf Haider, Giáo sư lịch sử Ấn Độ tại Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi, cho biết đây là tòa nhà lớn đầu tiên được thực hiện theo phong cách kiến trúc Mughal - sự pha trộn giữa các yếu tố thiết kế của Ấn Độ, Ba Tư và Trung Á.

Haider cho biết, Begum, người nổi tiếng với cái tên Haji Begum sau cuộc hành hương đến Mecca, “rất gắn bó với chồng và ký ức của ông ấy. Trong quãng đời còn lại của mình, bà không hề xao lãng việc chăm sóc lăng mộ của chồng”.

Lăng Halicarnassus - Thổ Nhĩ Kỳ

Lăng Halicarnassus.

Lăng Halicarnassus.

Tại thành phố ven biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ, khách du lịch có thể đi lang thang trên tàn tích của một kiệt tác 2.300 năm tuổi. Theo Daniel Sherer, giảng viên thỉnh giảng về Lịch sử và Lý thuyết kiến trúc tại Đại học Princeton, Mỹ, Lăng Halicarnassus là một trong Bảy kỳ quan của Thế giới Cổ đại, sánh ngang với các kim tự tháp của Ai Cập về quy mô cũng như sự hùng vĩ.

Sherer cho biết, tác giả La Mã thế kỷ thứ nhất Pliny the Elder đã viết rằng, lăng mộ này được Nữ hoàng Artemisia xây dựng vào năm 353 trước Công nguyên, làm ngôi nhà vĩnh cửu cho bạn đời của bà, Mausolus, người cai trị Caria, lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Nhà sử học La Mã ở thế kỷ thứ nhất Valerius Maximus mô tả Artemisia hết lòng vì người chồng quá cố của mình, đến mức trộn tro của Mausolus trong một chất lỏng rồi uống, từ đó biến mình thành một ngôi mộ sống, có hơi thở.

Trong lịch sử nghệ thuật thời Phục hưng và nghệ thuật Baroque, Artemisia thường được miêu tả là người giám sát việc xây dựng lăng mộ. Còn thiết kế là hai kiến trúc sư người Hy Lạp nổi tiếng là Pythius cùng Satyrus.

Lăng mộ được làm cực kỳ vững chắc với mặt tiền sử dụng chất liệu đá cẩm thạch, đá vôi trắng và lõi bên trong dùng đá núi lửa màu xanh lục tuyệt đẹp. Để giữ cho công trình luôn khô ráo và vững chắc theo thời gian, các kiến trúc sư đã xây dựng một hệ thống ống thoát nước và hành lang ngầm cực tinh vi nhưng không làm mất đi nét thẩm mỹ của công trình.

Giếng bậc thang Rani-Ki-Vav - Ấn Độ

Giếng bậc thang Rani-ki-Vav.

Giếng bậc thang Rani-ki-Vav.

Ở ngoại ô Patan, một thành phố nhỏ ở miền Tây Ấn Độ, có một kỳ quan phức tạp được xây dựng trong lòng đất. Còn được gọi là “Giếng bậc thang của Nữ hoàng”, Rani-ki-Vav được Nữ hoàng Udaymati cho xây dựng vào thế kỷ 11 và được trùng tu tổng thể vào những năm 1980.

Bà đã dành tặng viên ngọc quý này cho người chồng quá cố của mình, vua Bhimdev I, người đã cai trị một vùng đất mà ngày nay là bang Gujarat của Ấn Độ.

Để xuống được giếng bậc thang Rani-ki-Vav sâu hơn 20 mét này, du khách sẽ phải đi theo một loạt cầu thang. Ở đây có bốn gian nhà trưng bày 1.500 tác phẩm được chạm khắc bằng tay.

Ấn Độ từng có hàng nghìn giếng bậc thang, được sử dụng để lấy nước uống, giặt giũ và tắm rửa, trước khi quân đội của thực dân Anh phá hủy hầu hết chúng.

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ