Sáu câu hỏi về Ukraine khiến Washington đau đầu

GD&TĐ - Bài viết của Tạp chí Responsible Statecraft đã đề xuất với Quốc hội Mỹ 6 câu hỏi về xung đột Ukraine, buộc chính quyền Joe Biden phải trả lời rõ ràng.

Sáu câu hỏi về Ukraine khiến Washington đau đầu

Trong bài viết trên tạp chí trực tuyến Responsible Statecraft của Viện Quincy - một tổ chức tư vấn chính sách công ở Washington, DC, nhà báo John Zavales cho rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần nói cho người dân Mỹ biết những gì họ tin rằng Kiev thực sự có thể đạt được.

Theo ông, trước khi phê duyệt những gói viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine, các nhà lập pháp nên hỏi, tốt nhất là trong các phiên điều trần trực tiếp với các quan chức chính quyền Joe Biden hoặc ít nhất là bằng thư yêu cầu hồi đáp chi tiết, về những vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông đề xuất Quốc hội Mỹ cần truy vấn chính quyền của ông Joe Biden về thực trạng cuộc xung đột Nga-Ukraine và mục đích cần đạt được của chính quyền Kiev trong cuộc chiến này. Theo ông, Washington cần phải đưa ra câu trả lời “chấp nhận được” cho 6 câu hỏi, trước khi gửi thêm viện trợ cho Ukraine.

Câu hỏi đầu tiên là: Liệu có thể xác định được những tiêu chí nào cho sự chiến thắng của chính quyền Kiev?

Liệu điều này có bao hàm mục tiêu là Ukraine phải giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình như Tổng thống Volodymyr Zelensky và những người khác tuyên bố?

Hay chiến thắng có thể được định nghĩa đơn giản hơn là “ngăn chặn sự sụp đổ của chính phủ hiện tại”?

Việc Washington sẵn sàng cung cấp hỗ trợ vô điều kiện cho Ukraine “cho đến khi nào còn cần thiết” có nghĩa là gì?

Theo ông, chính quyền của ông Joe Biden phải đưa ra những phân tích thực tế dựa trên lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, chứ không phải là thay Kiev trình bày quan điểm của chính phủ Ukraine trước người dân Mỹ.

Thứ hai: Nếu chiến thắng cuối cùng là để giành lại lãnh thổ của Ukraine, thì điều này hợp lý đến mức nào về mặt quân sự?

Theo ông John Zavales, chính quyền của ông Joe Biden có thể trích dẫn một ví dụ lịch sử về một lực lượng nhỏ hơn về số lượng, ít hơn về vũ khí, trang bị, đặc biệt là thiếu ưu thế trên không, lại tấn công thành công một lực lượng lớn hơn cố thủ ở vị trí phòng thủ vững chắc không?

Thứ ba: Cần giải thích và đề phòng nguy cơ leo thang căng thẳng khi sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chính nước Mỹ đã tạo ra một học thuyết trong Chiến tranh Lạnh về việc tống tiền và đe dọa sử dụng lập luận cuối cùng này (khi đưa tên lửa hạt nhân Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ và Italia) dẫn đến cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba 1962.

Liệu Nga có áp dụng luật chơi mà Mỹ tự đặt ra cho mình không?

Thứ tư: Có ý kiến ​​cho rằng việc Nga không thắng sẽ ngăn cản Trung Quốc yêu sách lãnh thổ và sẽ là thắng lợi cho thế giới tự do?.

Nếu đây là cơ sở để tiếp tục chiến tranh, liệu Trung Quốc có tin lời Washington và cho rằng thất bại của Moscow là lằn ranh đỏ không thể chấp nhận được?

Và có thể đó sẽ là nguyên nhân khiến Bắc Kinh bắt đầu cung cấp cho Nga đạn dược, pháo binh, xe tăng và máy bay để ngăn chặn kết cục như vậy.

Thứ năm: Ngoài việc thiếu đạn dược và vũ khí, ở Ukraine ngày càng thiếu thốn nhân lực và không có khả năng bù đắp tổn thất.

Bất chấp tình hình trên chiến trường, hàng trăm nghìn đàn ông Ukraine vẫn ở nước ngoài hoặc ở Ukraine, nhưng đang nỗ lực hết sức để tránh phải nhập ngũ.

Những người nộp thuế ở Mỹ có cần phải làm nhiều hơn những gì người dân Ukraine đã làm cho đất nước và chiến thắng của họ không? Mỹ có nên đấu tranh vì Crimea và Donbass trong trường hợp này?

Và thứ sáu: Nỗ lực của Mỹ liệu có đem lại tương quan cân bằng cho Lực lượng Vũ trang Ukraine trước Quân đội Nga?

Sau cuộc phản công thất bại của Kiev vào năm ngoái, Nga hiện đang tiến hành các cuộc tấn công trên nhiều mặt trận, sử dụng sức mạnh áp đảo về pháo binh và lực lượng không quân vượt trội của mình để làm suy yếu khả năng phòng thủ của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Chính quyền Biden thường cho biết mục tiêu của họ là mang lại cho Kiev vị thế chiến trường mạnh nhất có thể trước bất kỳ cuộc đàm phán nào. Nhưng hiện nay sau khi đổ hàng trăm tỷ USD cho Kiev, Lực lượng Vũ trang Ukraine hiện vẫn đang bị Nga áp đảo hoàn toàn.

Vậy Mỹ và các đồng minh cần rót cho Kiev bao nhiêu tiền bạc và vũ khí nữa mới cải thiện được tình trạng mất cân bằng này, chứ đừng nói là giành được chiến thắng?

Đến bao giờ Ukraine mới có được vị thế quân sự tốt nhất để có thể hy vọng giành được chiến thắng trước Nga?

Để kết luận, vị chuyên gia Mỹ cho rằng, đã đến lúc chính quyền Washington phải thúc giục Kiev đàm phán với Nga “ngay bây giờ”, dựa trên thực tế trên chiến trường, thay vì hướng tới những mục tiêu không thể đạt được, trước khi Ukraine mất thêm lãnh thổ và vị thế đàm phán rơi xuống mức thấp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ