'Sát thủ' thầm lặng của sức khỏe

GD&TĐ - Có thể ví von, các bệnh mạn tính không lây là 'sát thủ' thầm lặng của sức khỏe.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Do đặc điểm không lây lan, không bùng nổ thành dịch mà chỉ diễn ra nhẹ nhàng, âm thầm qua nhiều tháng, nhiều năm nên “chúng” gần như thoát qua khỏi sự cảnh giác của nhiều người.

Từ lối sống thiếu lành mạnh

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS), mỗi năm, nhồi máu cơ tim lấy đi mạng sống của 7,2 triệu người; tai biến mạch máu não: 5,5 triệu người; tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác: 3,9 triệu người. Số người mắc bệnh đái tháo đường là 177 triệu người, nhưng 2/3 “tập trung” ở những nước đang phát triển. Khoảng 1 tỷ người có nguy cơ vượt qua vạch chuẩn cân nặng và ít nhất 300 triệu người đang bị thừa cân béo phì. Cũng theo WHO, các bệnh béo phì, uống rượu, hút thuốc lá, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh mạn tính không lây thường gặp.

Các bệnh không lây thường được các nhà chuyên môn, một số sách báo về y tế và sức khỏe gọi tắt là NCDs (tiếng Anh: Noncommunicable Diseases). Khái niệm về NCDs dùng để chỉ những trường hợp bệnh tiến triển kéo dài hoặc thường xuyên tái phát.

Các bệnh này có đặc điểm không lây lan và cũng không bùng nổ thành dịch. Thời gian mắc bệnh kéo dài từ 3 tháng trở lên. Đây là các bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, không thể tự biến mất và cũng không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu, như là chủng ngừa bằng vaccine.

Bệnh mạn tính không lây đa số không do nhiễm khuẩn và không có khả năng truyền từ người nọ sang người kia.

Theo Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển Việt Nam, các bệnh không lây tăng nhanh trong 2 thập kỷ gần đây và ngày càng trở thành gánh nặng cho xã hội. Dịch tễ học Việt Nam đang trải qua thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ.

Điều này được cắt nghĩa do sự gia tăng của tuổi thọ và thời gian phơi nhiễm của các bệnh không lây kéo dài. Điển hình là bệnh lý tim mạch - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và chiếm khoảng 1/5 gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.

Niên giám thống kê năm 2011 cho thấy, ở Việt Nam tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm cao gấp 2,4 lần tỉ lệ mắc các bệnh lây nhiễm. Số tử vong do các bệnh không lây nhiễm cao gấp 4 lần do các bệnh lây nhiễm, chiếm tỉ lệ 67,3%.

Nhìn chung, dưới tác động của đô thị hóa, toàn cầu hóa và sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trong những thập niên gần đây, một bộ phận không nhỏ có lối sống thiếu lành mạnh, sử dụng nhiều bia rượu và thuốc lá, ăn uống không hợp lý, bệnh béo phì phát triển nhanh, vận động thể lực ít.

Tất cả đều là yếu tố nguy cơ dẫn đến tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm tăng cao và trở thành sự đối mặt đáng lo ngại của nhiều quốc gia và toàn cầu.

Nó gióng lên một hồi chuông cảnh báo khiến chính phủ của nhiều nước phải xắn tay vào cuộc, trong đó có Việt Nam với các chương trình tiêu biểu như tầm soát các bệnh ung thư, kiểm soát các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn tâm thần, hen phế quản và các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…

Từ năm 1999 đến nay, các bệnh này đang dần trở thành bệnh trong Chương trình mục tiêu y tế quốc gia.

Gây tử vong hàng đầu

(Ảnh minh họa/INT)

(Ảnh minh họa/INT)

Càng ngày các bệnh mạn tính không lây càng trở thành mối bận tâm đáng kể của con người, vì đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Tại các nước nghèo, thu nhập thấp và trung bình, khoảng 80% trường hợp tử vong là do chúng gây ra.

Thống kê của Bộ Y tế năm 2006 cho thấy, tỉ lệ mắc các bệnh không lây là 62% và các bệnh lây là 24%, nghĩa là cao hơn khoảng 2,6 lần.

Trên thế giới, các bệnh mạn tính không lây chiếm khoảng 46% gánh nặng bệnh tật, tước đoạt sinh mạng của khoảng 36 triệu người, chiếm đến 63% tổng số trường hợp tử vong chung.

Các nhóm bệnh mạn tính không lây thường gặp gồm:

- Nhóm bệnh tim mạch: Tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, suy tim, thiếu máu cơ tim...

- Nhóm bệnh hô hấp: Hen, khí phế thủng, viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Nhóm bệnh tâm thần kinh: Sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer, trầm cảm…

- Nhóm bệnh nội tiết: Đái tháo đường, béo phì…

- Nhóm bệnh tự miễn: Lupus ban đỏ, viêm loét đại tràng, viêm gan mạn tự miễn.

- Nhóm bệnh xương khớp: Loãng xương, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút…

- Các bệnh mạn tính không lây khác: Suy thận mạn, ung thư, viêm gan mạn do thuốc, hội chứng mệt mỏi mạn tính…

Các chuyên gia cho rằng, có đến 90% bệnh nhân đái tháo đường, 80% bệnh mạch vành, đột quỵ và 1/3 bệnh ung thư có thể tránh mắc phải nhờ thực hiện các biện pháp sau đây:

- Tăng cường vận động và thể dục thể thao rèn luyện cơ thể; duy trì cân nặng chuẩn.

- Ăn nhiều rau và trái cây, giảm mỡ, muối, đường, ăn dầu thực vật chưa bão hòa tốt hơn mỡ động vật bão hòa.

- Giảm hoặc bỏ bia, rượu, thuốc lá.

- Khám sàng lọc các bệnh ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt…

- Điều trị sớm và tích cực các bệnh lý có liên quan ngay khi phát hiện để tránh các hậu quả phức tạp do biến chứng gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ