Theo National Geographic, bọ đục thân tần bì (EAB) là loài bọ cánh cứng gây hại, giết chết hàng trăm triệu cây tần bì bản địa ở Bắc Mỹ kể từ năm 2002.
Michael Domingue, nhà côn trùng học, và các đồng nghiệp tại Đại học Pennsylvania (PSU), Mỹ, lập kế hoạch tiêu diệt EAB bằng cách chế tạo một con cái giả có khả năng thu hút con đực. Con cái giả này được trang bị nguồn điện 4.000 volt để tiêu diệt bất kỳ con đực nào chạm vào nó.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu dùng máy in 3D tạo ra một phiên bản thô của bọ EAB cái để làm mồi nhử. Những con EAB đực trông thấy phiên bản thô này nhưng không tiếp cận. Sau đó, họ tạo ra một mẫu EAB trông giống thật hơn, với màu xanh như ngọc lục bảo và cấu trúc bề mặt lớp vỏ tán xạ ánh sáng.
Các nhà khoa học chia làm hai nhóm thử nghiệm, một nhóm gồm những con bọ EAB cái thật đã chết và nhóm còn lại là bọ EAB cái giả làm mồi nhử. Kết quả cho thấy số lượng con đực đáp xuống hai nhóm này để giao phối bằng nhau.
Khi con đực đậu lên mồi nhử EAB giả, luồng điện 4.000 volt lập tức phóng ra, giết chết nó ngay tức thì. Tiêu diệt xong "kẻ si tình", mẫu EAB giả này lại tiếp tục chờ đợi nạn nhân tiếp theo.
Việc lắp những con côn trùng giả làm mồi nhử trong vùng chưa bị EAB tấn công có thể giúp phát hiện sự lây lan của loài bọ cánh cứng này và rút ra biện pháp phòng ngừa thích hợp.
"Nếu biết sớm hơn những nơi EAB xuất hiện, chúng ta sẽ có nhiều biện pháp xử lý tốt hơn", Domingue cho biết.