Sau nỗ lực tiếp cận bằng đường bộ để ứng cứu cho nạn nhân ở Rào Trăng 3 gặp nhiều khó khăn do sạt lỡ nặng nề, địa hình chia cắt, Sư đoàn 372 đã điều động 2 trực thăng vào hiện trường vụ sạt lở.
Đúng 9h30, chiếc trực thăng thứ nhất Mi-171E chở khoảng 20 người cất cánh, đưa cán bộ, chiến sĩ trinh thám địa hình và thả hàng cứu trợ.
Trực thăng bay qua xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, rồi tiến thẳng vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Từ trên nhìn xuống, nhiều khu vực ở Phong Xuân chìm trong biển nước. Những ngày lũ vừa qua khiến nhiều nơi bị chia cắt, cô lập. Máy bay đã hạ dần độ cao, từ khoảng 30m tính từ mặt đất, các thành viên trên chuyến bay cứu nạn nhìn thấy từng nhóm 2-3 người đã lập tức thả hàng cứu trợ xuống với hy vọng những người gặp nạn có thể nhận được để duy trì sự sống.
Khoảng 60 phút, trực thăng Mi-171E đáp xuống sân bay Phú Bài.
Được biết, trong chiều nay, nếu thời tiết thuận lợi, đoàn cứu trợ sẽ tiếp tục thực hiện chuyến bay tiếp tế hàng cứu trợ cho bà con bị mắc kẹt trong thiên tai.
Cũng trong sáng nay, công tác tìm kiếm trong đống đất đá sạt lở đang được lực lượng này khẩn trương triển khai. Phía vòng ngoài ở khu vực gần UBND xã Phong Xuân các lực lượng khác cũng đang di chuyển các trang thiết bị, máy móc vật dụng đưa vào điểm xảy ra sạt lở để giải phóng mặt đường nhanh chóng tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 và thủy điện Rào Trăng 4.
Đến 1h30 chiều nay, lực lượng của Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 cũng đã đến hiện trường tăng cường công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3.
Bên cạnh đó công tác cứu hộ còn có sự chung tay góp sức của người dân địa phương bằng việc nấu các bữa ăn miễn phí phục vục các lực lượng cứu nạn. Thực phẩm vật dụng nấu ăn đều được người dân địa phương góp của nhà và được nấu tại trường tiểu học Phong Xuân. Người có gạo góp gạo, có gà vịt góp gà vịt, rau xanh góp rau xanh...Ai có gì góp nấy mọi người cùng chung tay góp một chút sức mình vào công cuộc tìm kiếm.
Chia sẻ với PV Chị V. một người dân tham gia nấu cho biết “Tất cả thực phẩm này đều được các chị em trong xã chung tay góp lại để chế biến cho các đồng chí đang thực hiện công tác cứu nạn”.
Trước đó, chiều ngày 12/10, tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) đã xảy ra vụ sạt lỡ đất đá vào khu vực nhà ở của các công nhân khiến ít nhất 17 người gặp nạn.
Sau tai nạn xảy ra, số công nhân còn lại của nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã băng rừng lên nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 lánh nạn. Trong buổi tối cùng ngày, đoàn cứu hộ của Quân khu 4 cùng một số cán bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tức tốc vào khu vực xảy ra sạt lỡ để tiếp cận các nạn nhân. Lúc 23 giờ, sau nhiều giờ liên tục trèo đèo, lội suối đoàn đã đến khu vực trạm kiểm lâm gần đó và quyết định tạm nghỉ chân lại. Khoảng 1 giờ sau, bất ngờ đất đá từ quả đồi phía sau trạm kiểm lâm sạt xuống vùi lấp khu nhà đoàn cứu hộ đang dừng chân khiến 13 cán trong số 21 cán bộ mất tích, mất liên lạc.