Sắp xếp lại khu phố, ấp tại TPHCM, làm tinh gọn, không phiền hà người dân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - TPHCM hiện đang triển khai sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn theo Quyết định số 3009 năm 2023 của UBND TP.

Một góc khu vực trung tâm TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)
Một góc khu vực trung tâm TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

Từ hơn 25.300 tổ dân phố, tổ Nhân dân, TPHCM sẽ sắp xếp chỉ còn 5.200 khu phố, ấp thuộc các đơn vị hành chính cấp xã (xã, phường, thị trấn).

Tinh gọn tổ chức tự quản

Sở Nội vụ TPHCM là đơn vị được giao hướng dẫn các địa phương triển khai việc sắp xếp trên.

Sau khi hoàn thành, mô hình tự quản dưới cấp phường, thị trấn ở TPHCM sẽ không còn tổ dân phố mà chỉ có khu phố; dưới xã không còn tổ Nhân dân mà chỉ còn ấp.

Hiện TPHCM có hơn 27.300 mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn, gồm hơn 2.000 khu phố, ấp và hơn 25.300 tổ dân phố, tổ Nhân dân.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, về quy mô số hộ dân, khu phố phải có từ 500 hộ dân trở lên, ấp từ 350 hộ dân trở lên.

Với các khu phố, ấp đã hoạt động ổn định, ranh địa giới không thay đổi, có thể áp dụng quy mô số hộ dân có thể thấp hơn hoặc lớn hơn quy định để giữ nguyên.

Cũng theo hướng dẫn từ Sở Nội vụ TPHCM, nếu khu phố, ấp hiện hữu có chung cư mới, khu dân cư mới tách biệt ranh giới với khu phố, ấp hiện hữu, có thể sắp xếp thành khu phố mới, ấp mới với điều kiện: Đạt quy mô từ 450 - 500 hộ gia đình trở lên với khu phố, 350 hộ gia đình trở lên với ấp.

Sở Nội vụ TPHCM đề nghị đặt tên khu phố, ấp sau sắp xếp theo số thứ tự (ví dụ khu phố 1, 2, 3), không nên đặt tên chữ để dễ thống kê.

Sau khi sắp xếp khu phố, ấp, có 5 chức danh được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước gồm: Bí thư; Trưởng khu phố, Trưởng ấp; Trưởng ban Công tác mặt trận; Chi hội trưởng Phụ nữ và Bí thư Chi đoàn Thanh niên.

Trụ sở của khu phố, ấp là các trụ sở đã có hoặc sẽ được bố trí địa điểm phù hợp.

Việc sắp xếp trên sẽ không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã, không làm phát sinh xây dựng trụ sở làm việc mới, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa khu phố, ấp với lực lượng công an, quân sự.

Sắp tới, UBND các phường, xã, thị trấn sẽ xây dựng đề án sắp xếp khu phố, ấp; tổ chức lấy ý kiến về đề án, ghi biên bản và tổng hợp các ý kiến góp ý.

UBND TPHCM sẽ tổng hợp các phương án để trình HĐND TP vào tháng 12/2023 và hoàn thiện việc sắp xếp khu phố, ấp trong quý I năm 2024.

Tránh phiền hà người dân

“Sở Nội vụ TPHCM đã rà soát các đơn vị hành chính căn cứ vào Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Toàn TPHCM có 6 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm các quận 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận) và 149 đơn vị hành chính cấp xã chưa đảm bảo các tiêu chí về diện tích, dân số, thuộc diện phải sắp xếp”.

Từ năm 1985 đến nay, TPHCM thực hiện mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn có hai cấp. Đó là khu phố, ấp (cấp triển khai) và tổ dân phố - tổ Nhân dân (cấp thực hiện).

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý Nhà nước theo đúng các quy định hiện nay và vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân, TPHCM đã có chủ trương tiến hành sắp lại khu phố, ấp.

Việc này cũng nhằm đáp ứng tinh giản bộ máy theo chủ trương của Trung ương và quy định của Bộ Nội vụ, quy định dưới phường, xã chỉ có 1 cấp tự quản.

Nắm thông tin về chủ trương tinh gọn tổ dân phố, tổ Nhân dân của TPHCM, bà Trương Thị Ngọc (52 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) ủng hộ việc làm này. Tuy nhiên, bà đề xuất với chính quyền thành phố 2 việc.

Một là, việc sắp xếp khu phố không làm xáo trộn đời sống, giấy tờ, thủ tục hành chính của người dân. Hai là, công việc hữu ích mà tổ dân phố trước đây đảm nhiệm như giúp đỡ người dân trong sinh hoạt, phát triển kinh tế và quản lý tài sản công cộng cần được duy trì, đưa về cho khu phố.

Trong khi đó, ông Phan Hữu Phước (65 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mong việc sắp xếp khu phố, ấp không làm mất “cầu nối” tiếng nói giữa người dân với chính quyền các cấp.

“Từ trước đến nay, tổ dân phố cũng có vai trò nhất định, giúp tiếng nói, đề xuất của người dân tới phường, quận. Nếu bây giờ tinh gọn, tôi mong khu phố vẫn sâu sát như trước đây”, ông Phan Hữu Phước nói.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, theo quy định của Trung ương, thành phố phải sắp xếp lại mô hình dưới phường, xã, thị trấn. TPHCM đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học để triển khai đạt hiệu quả.

Việc chia tách, sáp nhập, thành lập mới khu phố, ấp ít nhiều sẽ ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp do nhiều giấy tờ phải thay đổi theo.

Do đó, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu việc giải quyết các vấn đề của người dân và doanh nghiệp, các thủ tục hành chính thuận lợi, hạn chế thấp nhất các thủ tục phiền hà, tăng cường ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hồ sơ.

Các cấp, các ngành phối hợp lựa chọn phương án phù hợp nhất, đảm bảo đúng quy định nhưng ít gây xáo trộn nhất.

Đối với trụ sở làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý, các địa phương không làm phát sinh biên chế, quỹ tiền lương, trụ sở, các loại tài sản công.

Tuy nhiên, các địa phương phải đảm bảo điều kiện tối thiểu cho hoạt động của khu phố, ấp mới sau khi sắp xếp.

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Công văn số 1035 ngày 18/7/2023 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn TPHCM theo quy định của Trung ương.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quán triệt, tổ chức thực hiện sắp xếp khu phố - ấp phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật gắn với củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở.

Sắp xếp khu phố, ấp, người dân được phát huy vai trò làm chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Phương án sắp xếp, đổi tên khu phố, ấp phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa từng địa phương, tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị và được đại đa số người dân thống nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Thạch (thứ 4 từ phải qua, hàng giữa) chụp ảnh kỷ niệm ngày học sinh Trường chuyên Lam Sơn ra trường, năm 1988. Ảnh tư liệu

Ánh sáng khác thường

GD&TĐ - Dạo ấy, tôi và anh Thạch thuộc nhóm luyện thi đại học khối A. Anh em chung cảnh sống tập thể, nên thường cùng nhau đạp xe tới dạy luyện thi...
Rác vũ trụ là vấn đề không gian cấp bách hiện nay.

Chiến dịch dọn rác không gian

GD&TĐ - Giai đoạn đầu tiên trong Chiến lược bền vững không gian của NASA tập trung vào rác trên quỹ đạo quanh Trái đất.