Sắp trình Thủ tướng Chiến lược quốc gia mới về tăng trưởng xanh

Việt Nam hoàn toàn có thể đi đầu trong khu vực về tăng xanh để phát triển bền vững trong 20 - 30 năm tới, dù mục tiêu tăng trưởng xanh không thể đạt được trong ngày một, ngày hai.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh điều này khi chủ trì Hội nghị tham vấn xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050, chiều 29/3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. - Ảnh: MPI
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. - Ảnh: MPI

Việt Nam đã sớm chủ động lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh thông qua việc ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2050 vào cuối năm 2012 và triển khai cụ thể qua Kế hoạch hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, với 4 chủ đề chính, 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ hành động, phân định trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức chủ trì và phối hợp thực hiện.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 8 năm triển khai, Chiến lược 2012-2020 đã cơ bản đi đúng hướng, triển khai khá toàn diện. Việc thực hiện Chiến lược đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật thể hiện ở các nội dung xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức. Một số mục tiêu chiến lược đã đạt được, mảng đầu tư xanh đã dần chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong cơ cấu đầu tư phát triển cả công và tư.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Chiến lược 2012-2020 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như phương pháp luận chưa toàn diện dẫn đến thiếu định hướng và lộ trình khả thi trong thực hiện, giám sát và đánh giá các mục tiêu; khung huy động nguồn lực thực hiện Chiến lược chưa phát huy hết tiềm năng từ khu vực tư nhân; thiếu các giải pháp liên ngành, liên vùng dẫn đến những nỗ lực thực hiện Chiến lược chỉ mang tính đơn lẻ, hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó, bối cảnh thế giới cho thấy tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu với nhiều sáng kiến và cam kết quốc tế, như việc tăng đầu tư vào hoạt động sản xuất thông minh và sản phẩm công nghệ cao, Chính phủ số, đô thị thông minh… Đặc biệt, phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay “phục hồi xanh” đang được nhiều quốc gia thúc đẩy trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành xây dựng Chiến lược cho giai đoạn mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2030 hướng tới nền kinh tế trung tính cácbon (carbon neutral) trong dài hạn là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh mới, đặc biệt là xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, giúp Việt Nam đón đầu cơ hội và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.

Tăng trưởng xanh không những giúp đảm bảo bền vững về môi trường, nâng cao năng lực chống chịu của quốc gia trước biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, dịch bệnh, mà còn tạo bình đẳng trong tiếp cận cơ hội và hưởng lợi của mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, góp phần truyền tải, chia sẻ các giá trị nhân văn, các giá trị văn hóa cốt lõi, lối sống có trách nhiệm của từng con người và của toàn xã hội.

Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2030 kế thừa có chọn lọc các kết quả của Chiến lược giai đoạn 2012-2020, hoàn thiện phương pháp luận để định lượng các mục tiêu và lộ trình thực hiện.

Các kịch bản tăng trưởng xanh cho toàn bộ nền kinh tế và từng ngành ưu tiên được xây dựng thông qua việc sử dụng các mô hình kinh tế kết hợp với các mô hình ngành, đặc biệt chú trọng phân tích chi phí - lợi ích và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của Chiến lược, đảm bảo tính đồng bộ và tương thích với các mục tiêu thiên niên kỷ (SDGs) và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: MPI
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: MPI

Đầu tư tư nhân đóng vai trò then chốt

Chiến lược hướng tới mục tiêu thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, các-bon trung tính; có năng lực chống chịu và ứng phó hiệu quả với các cú sốc bên ngoài, góp phần hạn chế sự tăng nhiệt độ theo mục tiêu toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể, Chiến lược hướng tới giảm cường độ phát thải khí nhà kính so với GDP đến năm 2030, 2040, 2050; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống, năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài, đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận cơ hội và kết quả của quá trình chuyển đổi xanh.

“Tăng trưởng xanh định hướng đầu tư và huy động nguồn lực vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò then chốt”, ông Lê Việt Anh nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, đại sứ quán các nước (Hàn Quốc, Hà Lan, Anh Quốc…), tổ chức quốc tế, đối tác phát triển (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, UNDP, UNIDO, UNICE, GiZ, KOICA, AFD, USAid…) cùng các chuyên gia đã có nhiều ý kiến góp ý sâu sắc và nhất trí cao với những điểm mới, khả thi, đặc biệt là tính tổng thể bao trùm nhưng định lượng được của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn tới đây và tin tưởng Chiến lược sẽ hiện thực hóa khát vọng của Việt Nam với sự đồng lòng của tất cả các bên liên quan. Các quốc gia, đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Chiến lược.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc xây dựng Chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt trong định hướng phát triển đất nước nhằm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, 2026-2030. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp tham vấn với các bên liên quan ở tất cả các cấp với sự hỗ trợ và đồng hành của các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia,… để hoàn thiện dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2021.

Theo baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.