Vì sao hiệu quả của dự án đầu tư công chưa cao?
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – cho biết: Thứ nhất, trước đây chúng ta chưa có Luật Đầu tư công thì việc quyết định đầu tư của chúng ta đang còn tùy tiện và vượt so với khả năng cân đối của ngân sách cả của Trung ương, địa phương.
Giai đoạn 2005 - 2010; 2011 - 2015, trong mỗi giai đoạn này chúng ta có khoảng hơn 20.000 dự án cả lớn lẫn bé, cả của địa phương, cả bộ, ngành quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu và không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được, nên việc dàn trải dẫn đến thất thoát, dẫn đến dừng, giãn, hoãn rất lớn.
Khi đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 1792 và sau đó chúng ta luật hóa lên thành Luật Đầu tư công. Trong giai đoạn 2016 - 2020 chúng ta chỉ còn hơn 1.000 dự án nữa, đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đây và đã bám sát vào khả năng cân đối của ngân sách, đó là một việc chúng ta đã khắc phục được. Riêng phần nợ đọng và ứng của các giai đoạn trước đã được tập trung ở giai đoạn 2016 - 2020 để chúng ta xử lý dứt điểm.
Thứ hai, các dự án chúng ta phê duyệt có một tổng mức đầu tư nhiều dự án không sát với tình hình thực tế, vượt lên rất nhiều so với tính toán mà chúng ta chưa có các biện pháp kiểm soát được việc này.
Về vấn đề này, Chính phủ vừa qua đã giao cho Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan phải xây dựng các định mức để tính toán làm cơ sở để xây dựng tính toán khi phê duyệt quyết định đầu tư có một tổng mức đầu tư hợp lý.
Thứ ba, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng việc dẫn đến hiệu quả của dự án đầu tư công chưa cao, đó là thời gian triển khai đầu tư. Triển khai đầu tư hiện nay phải thực hiện nhiều các thủ tục như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, điều đó làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên, buộc phải điều chỉnh. Khi vượt lên không có nguồn để bố trí lại phải dừng, hoãn. Những vấn đề này lớn liên quan ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các nước đã bắt đầu giảm ODA ưu đãi mà chúng ta chuyển sang một giai đoạn mới, đó là vay thương mại |
Về nợ công, liên quan đến vay nước ngoài. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng – cho biết: Vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, vốn của nước ngoài ODA xử lý là 300.000 tỷ trong 2 triệu tỷ tổng đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020.
“Hiện nay chúng ta ký trong giai đoạn này vượt so với 300.000 là 1,9 tỷ vốn cấp phát tương đương khoảng 42.000 tỷ. Nếu Quốc hội còn 30.000 vốn dự phòng, nếu bổ sung cho kế hoạch trung hạn đối với số này và khả năng giải ngân có thể đạt 1,4 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 30.000 tỷ dự phòng.
Như vậy, tất cả các dự án này vẫn đang nằm trong kế hoạch trung hạn 300.000 tỷ mà chúng ta đang kiểm soát được” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các dự án ODA vay nước ngoài hiện nay chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn là nước có thu nhập trung bình. Các nước đã bắt đầu giảm ODA ưu đãi mà chúng ta chuyển sang một giai đoạn mới, đó là vay thương mại, tức là có lãi suất cao hơn và điều kiện là thời gian vay ngắn hơn, thời gian trả nhanh hơn.
“Chúng tôi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải đẩy nhanh triển khai các thủ tục cần thiết để giải quyết được các vấn đề cho các dự án sử dụng các nguồn ưu đãi của các tổ chức cũng như các nhà tài trợ trong năm 2017, 2018 nên các dự án trong năm 2017, 2018 chúng ta phải tập trung đẩy nhanh, tranh thủ nguồn ưu đãi cao đang hết vào năm 2017 và năm 2018. Còn sau năm 2018 chúng ta chuyển sang vay kém ưu đãi thì chúng ta sẽ giảm đi” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.