Sáp nhập đơn vị hành chính: Không duy ý chí khi đặt tên

GD&TĐ - Từ câu chuyện 'làng khoa bảng' Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) nguy cơ bị xóa tên, nhà nghiên cứu đưa ra cách đặt tên địa danh sau khi sáp nhập làng, xã.

Xã Quỳnh Đôi được mệnh danh là 'làng khoa bảng' của Nghệ An. Ảnh: Nhật Thanh.
Xã Quỳnh Đôi được mệnh danh là 'làng khoa bảng' của Nghệ An. Ảnh: Nhật Thanh.

Địa danh là “hóa thạch” của lịch sử

Gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính sau khi sắp xếp lại. Điều đáng quan tâm là rất nhiều địa danh gắn với trầm tích văn hóa lịch sử của dân tộc khả năng cao sẽ không còn nữa.

Tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), xã Quỳnh Đôi sáp nhập với xã Quỳnh Hậu, được đề xuất đặt tên mới là Đôi Hậu hoặc Quỳnh An. Tên gọi này khiến dư luận và người dân địa phương băn khoăn. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho địa danh Quỳnh Đôi, một xã rất nổi tiếng về học hành và khoa bảng.

Theo lịch sử địa phương, Quỳnh Đôi xưa là một vùng đất ngập mặn cây hoang, cỏ dại giáp sông Mai. Năm 1378, ông Hồ Kha giao cho 3 người con trai đến đây khai hoang, lập ấp đặt tên là “Thổ Đôi Trang”. Đến năm 1528, tên Thổ Đôi đổi thành làng Quỳnh Đôi nay là xã Quỳnh Đôi. Tính đến nay, Quỳnh Đôi đã có gần 650 năm hình thành và phát triển.

Ước tính từ năm 1378 đến năm 1918 khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, Quỳnh Đôi có 734 người đậu Tú tài và Cử nhân, 4 Phó bảng, 7 Tiến sĩ, 2 Hoàng giáp, 1 Thám hoa. Đây cũng chính là quê hương của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Quỳnh Đôi hiện có 8 di tích lịch sử văn hóa quốc gia và 1 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Cuối năm 2023, địa phương này ra mắt tour du lịch Làng Cá Gỗ, thu hút hàng ngàn du khách thập phương và người dân đến đây tham gia, trải nghiệm.

Nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An) cho rằng, địa danh thường là sự tái hiện của một sự kiện hay, cô đọng của một chặng đường lịch sử, và là biểu tượng của một phần văn hóa.

Mỗi địa danh đều mang ký ức chung về sự phát triển của mỗi một quê hương xứ sở, phản ánh lịch sử, đặc điểm văn hóa địa phương và gắn liền với tâm thức của người dân ở rất nhiều thế hệ. Chính vì vậy mà địa danh được xem như “hóa thạch sống” của lịch sử.

Theo ông Cường, việc đổi tên các địa danh là việc không hiếm xảy ra trong tiến trình lịch sử. Đây cũng được xem là kết quả tất yếu của sự thay đổi triều đại, hay thể chế và xã hội.

Việc thay đổi địa danh kéo theo sự ảnh hưởng và thay đổi về chính trị, kinh tế, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, đời sống nhân dân và các tương tác xã hội khác (nhất là ở thời hiện đại).

Chính vì thế, ông Cường cho rằng không thể thay đổi một cách tùy tiện và duy ý chí, mà phải có định hướng rõ ràng từ Nhà nước, tạo điều kiện có lợi cho việc kế thừa văn hóa, lịch sử truyền thống và nhất là đồng thuận với mong muốn của mọi tầng lớp nhân dân.

Trở lại với xã Quỳnh Đôi, đây là mảnh đất có trầm tích văn hóa hàng đầu xứ Nghệ, được biết đến với cái tên “làng khoa bảng”, gắn liền với câu nói dân gian đã truyền tụng từ xa xưa: “Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi” để nói về sự học của địa phương này.

Về đề xuất tên mới là Đôi Hậu hay Quỳnh An, ông Cường đánh giá, những tên gọi này không có ý nghĩa, nếu được thực hiện thì chẳng khác nào xóa bỏ một phần lịch sử, văn hóa. “Hóa thạch sống” này khi không còn gắn với một đơn vị hành chính cụ thể sẽ bị lãng quên dần qua các thế hệ không còn ai nhớ đến.

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Nhà thờ họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi. Ảnh: Phạm Tâm.

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Nhà thờ họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi. Ảnh: Phạm Tâm.

Đề xuất cách đặt tên mới

Trước nhu cầu thực tiễn, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường đề xuất một số cách đặt tên mới sau khi sáp nhập như: Chọn tên gọi nổi tiếng hơn, có tính đại diện cao hơn, hoặc đặt tên mới theo tên gọi cổ.

Theo ông Cường, trước đây nhiều địa phương ở Nghệ An đặt tên phân cấp theo nguyên tắc “phụ tử liên danh”, như huyện Diễn Châu thì các xã đều bắt đầu chữ Diễn: Diễn Hải, Diễn Thành…; huyện Quỳnh Lưu thì các xã đều bắt đầu chữ Quỳnh: Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu…

Trường hợp 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường cho rằng, nên giữ chữ “Quỳnh”. Sau đó, tên gọi nào nổi tiếng hơn, có tính đại diện sâu rộng hơn thì lựa chọn tên gọi đó. Ở đây, lựa chọn “Quỳnh Đôi” phù hợp hơn cả.

Với tên gọi cổ, tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) có 3 xã: Nam Trung, Nam Cường, Nam Phúc có vùng trung tâm văn hóa tinh thần là xã Nam Trung - với tên gọi cổ xưa là “Trung Cần” vốn lấy từ câu “Sĩ quý trung cần, nữ quý trinh thuận” (con trai đỉnh ở trung thành cần mẫn, con gái chất ở trinh tiết thuận hòa).

Tuy nhiên, đầu năm 2020, huyện Nam Đàn thực hiện sáp nhập 3 xã này nhưng lại không lấy lại tên gọi cổ, mà ghép 3 chữ phụ để trở thành xã Trung Phúc Cường. Tên gọi mới được một số người đánh giá rườm rà và không có ý nghĩa.

Rút kinh nghiệm từ trường hợp trên, ông Cường đề xuất, nếu sáp nhập từ 2 - 3 xã trở lên, nếu những xã này nằm trong 1 Tổng (đơn vị hành chính cũ) thì nên lấy tên Tổng cũ để đặt tên cho xã mới. Tương tự, nếu sáp nhập huyện thì lấy tên Phủ cũ (1 phủ gồm 3 - 4 huyện) để đặt tên.

Tượng Hồ Xuân Hương tại khu lưu niệm ở xã Quỳnh Đôi. Ảnh: Phạm Tâm.

Tượng Hồ Xuân Hương tại khu lưu niệm ở xã Quỳnh Đôi. Ảnh: Phạm Tâm.

Theo ông Cường, huyện Quỳnh Lưu từng có 4 Tổng, hiện vẫn còn sử dụng 2 tên gọi là Quỳnh Lâm và Hoàng Mai, còn Hoàn Hậu và Thanh Viên không được gắn cho đơn vị hành chính nên không còn mấy ai biết đến.

“Giữ lại địa danh cũ và bảo vệ ký ức lịch sử là vấn đề quan trọng và đáng được quan tâm. Việc làm này duy trì tính vẹn toàn của di sản lịch sử văn hóa và tính liên tục của đời sống kinh tế, xã hội. Nếu không, một lần nữa chúng ta lại rơi vào trường hợp văn hóa truyền thống bị đứt gãy”, ông Cường chia sẻ thêm.

Câu chuyện về tên làng, xã mới sau sáp nhập nhận được sự quan tâm của dư luận. Việc tìm ra một cái tên mới không chỉ mang ý nghĩa hành chính, mà còn “kiến tạo” nên những trang ký ức mới trong đời sống tinh thần của một vùng đất, một con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.