Sắp khai quật di tích Thành cổ Luy Lâu

GD&TĐ - Di tích Thành cổ Luy Lâu thuộc xã Thanh Khương (Thuận Thành - Bắc Ninh) đã được cấp phép khai quật khảo cổ.

Đền thờ Sĩ Nhiếp.
Đền thờ Sĩ Nhiếp.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa đã ban hành quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Trường Đại học Đông Á (Nhật Bản) khai quật khảo cổ tại Khu vực tường thành Ngoại phía Tây di tích Thành cổ Luy Lâu.

Theo quyết định, thời gian khai quật diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12, trên diện tích 30m2. Chủ trì khai quật là ông Lê Văn Chiến - Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Trong thời gian khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích. Có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Hiện vật từng thu thập được tại di tích Thành cổ Luy Lâu.

Hiện vật từng thu thập được tại di tích Thành cổ Luy Lâu.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm.

Đồng thời, trước khi công bố kết quả của đợt khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

Tượng quan trong đền thờ Thái thú Sĩ Nhiếp.

Tượng quan trong đền thờ Thái thú Sĩ Nhiếp.

Thành Luy Lâu nằm cách Hà Nội chừng 30km, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo đầu tiên của nền văn minh sông Hồng, hình thành khoảng hơn 2.000 năm trước và phát triển không ngừng trong nhiều thế kỷ.

Vùng đô thị cổ này gắn liền với tên tuổi của Sĩ Nhiếp - người đưa Nho giáo vào Việt Nam và thực hành rất nhiều chính sách phát triển tại xứ Giao Châu nơi mình cai trị...

Tượng thờ Nam Giao học tổ - Sĩ Nhiếp tại Bắc Ninh.

Tượng thờ Nam Giao học tổ - Sĩ Nhiếp tại Bắc Ninh.

Ông được hậu thế tôn làm “Nam Giao học tổ” và người dân thờ tự nhiều nơi. Luy Lâu cũng được biết đến là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt, là điểm dừng quan trọng trên con đường truyền bá của đạo Phật từ Ấn Độ sang các nước.

Vào năm 2004, tại chùa Xuân Quan cạnh thành Luy Lâu, một người dân đào được tấm bia Xá lợi tháp minh có từ năm 601, thời điểm ấy là minh văn sớm nhất nước ta, được công nhận bảo vật quốc gia sau đó. Hai tấm bia ở trên là hai văn vật có minh văn sớm bậc nhất của lịch sử Việt nam, giữ vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu văn hóa Việt đầu thời kỳ lịch sử; được tận mắt chứng kiến mà lòng xúc động vô ngần.

Chùa Dâu - Di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu, ngôi chùa cổ rất nổi tiếng có từ buổi đầu Công nguyên. Kiến trúc gỗ của ngôi chính điện được anh Trung giới thiệu dựng lại dưới thời Nguyễn, những điều đặc biệt còn giữ một số thành phần kiến trúc có từ thời Trần rất quý giá. Nhưng quý giá hơn cả chính là hệ thống tượng thờ ở điện Tam bảo.

Cừu đá bên mộ Sĩ Nhiếp.

Cừu đá bên mộ Sĩ Nhiếp.

Cừu đá cổ nằm bên phần mộ thái thú Sĩ Nhiếp - tương truyền nguyên đôi cừu là quà tặng của một người Ấn cho thái thú Sĩ Nhiếp. Sau khi vị thái thú qua đời, đôi cừu lang thang nhiều nơi và bị người dân đánh đuổi. Một con được đặt ở chùa Dâu với một vết chém còn hằn trên lưng. Con còn lại được đặt bên mộ vị thái thú...

Thành Cổ Luy Lâu còn có tên gọi khác là Siêu Loại, Lũng Khê. Ngôi thành gắn liền với thời kỳ giặc phương Bắc xâm lược nước ta từ Tây Hán. Song chính nơi đây đã ghi dấu những chiến công chói ngời của nhân dân ta chống giặc phương Bắc từ những năm đầu công nguyên (Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã phá tan ách thống trị của quân Nam Hán).

Thành Luy Lâu có cấu trúc dạng hình học chữ nhật quy mô lớn với luỹ, hào, cửa, vọng gác...với diện tích khoảng (3000mx 200m) nằm hơi chếch theo hướng Tây Nam. Phía đông thành nằm trọn trong thôn Lũng Khê. Phía Tây và một phần phía Bắc thành giáp xã Trí Quả, Phía Nam giáp xã Thanh Khương, phía Tây và Nam thành có con sông Dâu lại là một ngoại hào tự nhiên bao bọc toà Thành, đồng thời là đường giao thông thuỷ rất quan trọng.

Mộ Thái thú Sĩ Nhiếp.

Mộ Thái thú Sĩ Nhiếp.

Trước đây, 4 góc thành có 4 trạm gác gọi là 'Tứ trấn", ở đoạn giữa phần quay ra sông Dâu có một ngôi nhà nhỏ gọi là Vọng Giang Lâu với lối kiến trúc thời Lê Mạt.

Để tìm hiểu các đoạn tường thành được đắp qua các thời đại, các nhà khảo cổ học đã cắt một đoạn thành còn tương đối nguyên vẹn ở giữa góc Tây Nam dài hơn 13m, rộng 2m, sâu 6m đã cho thấy: từ mặt xuống sâu 1,5m chỉ gặp đồ gốm sứ có niên đại Lý - Trần, ở độ sâu 1,5 xuống 4,5m thấy nhiều di vật kiến trúc như đầu ngói ống có trang trí hoa văn, gạch xây dựng có trang trí văn chám đơn, chám lồng có niên đại từ thời Lục Triều - Tuỳ Đường.

Đến lớp cuối cùng tìm thấy nhiều mảnh nồi, vò bát, xương động vật và than tro, những di vật mang đặc trưng sản phẩm của thời Đông Hán muộn, thời kỳ mà Sĩ Nhiếp có mặt tại đây.

Với những giá trị lịch sử to lớn đó, thành Luy Lâu đã sớm được nhà nước đầu tư, nghiên cứu, bảo vệ và xếp hạng từ ngày 13/1/1964 theo quyết định số 29/VHQĐ công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tuy nhiên, toà thành hiện nay chỉ còn lại một bãi đất trống với một đoạn tường thành còn sót lại, những di tích mộ táng, khu cư trú, hào sâu, thành đất cao đều đã và đang bị con người xâm hại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ