Việc khai quật do Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước (Viện khảo cổ học) cùng các đồng nghiệp tiến hành.
Cọc được che đậy bảo vệ khỏi tác động của ánh nắng mặt trời |
Sáng 20/2, tại khu vực ao nuôi thủy sản nhà ông Đến, gần chục người dân địa phương dưới sự chỉ đạo của Viện khảo cổ học, cơ quan chuyên môn đang gạt bùn dưới áo để lộ ra những chiếc cọc gỗ cũ. Theo quan sát, cọc gỗ này đã được che phủ để bảo vệ dưới dự tác động của ánh nắng mặt trời.
Người dân địa phương được huy động gạt bùn phục vụ công tác khai quật cọc |
Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu cho biết, việc khai quật 13 chiếc cọc sẽ được tiến hành trong vòng 40 ngày. Dự kiến hết tháng 3 công việc sẽ hoàn tất phục vụ cho quá trình nghiên cứu.
Từng thân cọc lộ thiên trong ao nuôi thủy sản nhà ông Đến |
Theo chia sẻ của ông Đào Văn Đến (chủ sở hữu chiếc ao vừa phát lộ 13 cọc gỗ), gia đình ông mua lại khu vực đầm nuôi thủy sản từ năm 2014 của ông Hoàng Văn Oanh. Trước đây, gia đình ông Oanh từng phát hiện ra 10 chiếc cọ gỗ tương tự cùng một chiếc thuyền đục bằng thân gỗ lớn. Lúc ấy, ông Oanh cùng người dân địa phương đem vứt cọc đi, còn chiếc thuyền thì xẻ lấy gỗ.
Ông Phùng Văn Phòng (64 tuổi, khu Đầm Thượng) kể về việc từng phát hiện những chiếc cọc tương tự |
Từ khi thả cá trên diện tích 400m2 ao, ông Đến đã phát hiện ra những chiếc cọc gỗ. Nhiều lần định mang dao ra chặt vứt đi cho khỏi vướng, nhưng thân cọc to và chắc nên ông Đến đành chịu. Gần đây, việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) khiến ông Đến nghĩ có thể những chiếc cọc gỗ tại ao nhà có liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng nên đã báo chính quyền.
13 chiếc cọc nằm trong 400m2 ao nuôi thủy sản nhà ông Đến |
Chứng kiến cảnh khai quật 13 chiếc cọc tại ao nhà ông Đến, ông Hoàng Văn Hiệp (60 tuổi, cạnh nhà ông Đến) cho hay: "Tôi sinh sống 20 năm trên mảnh đất Đầm Thượng. Từng mò cá, bắt tép rồi cày cấy tại khu vực này, tôi hiểu rất rõ khu vực nào có cọc. Tại khu nhà tôi ở,1,6 mẫu Bắc bộ cũng có hàng nghìn chiếc cọc. Năm 2004, tôi phát hiện 30 chiếc cọc gỗ tại khu vực ao của mình nhưng không biết là cọc gì nên mang vứt đi".
Cũng theo lời kể của ông Phùng Văn Phòng (64 tuổi, người khu Đầm Thượng), trước đây người dân gọi khu vực Đầm Thượng là Cánh đồng chân cọc, bởi đồng toàn cọc. Không chỉ có nhà ông Đến có cọc gỗ, mà xung quanh khu vực rất nhiều nhà dân thấy xuất hiện cọc gỗ. Quá trình nhổ cọc lên, thấy gỗ còn tốt, người dân tái sử dụng làm nhà còn không lại đem vứt đi và không ai báo chính quyền địa phương.
Cọc được cắm cờ đánh dấu |
Được biết, khu vực phát hiện 13 cọc gỗ mới này nằm ở ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Đá Bạc. Ao nuôi thủy sản của gia đình ông Đến vốn là cồn đất nằm chính giữa ngã ba sông nói trên và cũng là nơi giáp ranh địa giới hành chính của 3 tỉnh thành: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.
Trước đó, chính quyền địa phương nhận được tin báo phát hiện ra những chiếc cọc gỗ tại ao nuôi thủy sản của gia đình ông Đến nghi có liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. UBND xã Lại Xuân đã báo cáo lên huyện Thủy Nguyên. Sau khi cử cán bộ về kiểm tra, huyện Thủy Nguyên đã có văn bản báo cáo Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng.
Viêc khai quật 13 chiếc cọc gỗ được tiến hành trong vòng 40 ngày kể từ 20/2 |
Ngày 17/2, Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng có văn bảo đề nghị UBND TP Hải Phòng cấp phép khai quật bãi cọc gỗ tại khu vực ao nhà ông Đến để phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể chiến trận Bạch Đằng năm 1288.
Nhiều người dân trong xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên đến xem việc khai quật cọc |
Để phục vụ cho việc nghiên cứu khảo cổ sau khi khai quật 13 chiếc cọc, UBND huyện Thủy Nguyên đề nghị gia đình ông Đến phối hợp, không nuôi thủy sản. Đồng thời, huyện Thủy Nguyên hỗ trợ gia đình ông Đến 25 triệu đồng.