Sao phải sợ?

GD&TĐ - Một trong những điểm mới của Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học vừa được Bộ GD&ĐT ban hành là cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ học tập, dưới sự giám sát của giáo viên.

Học sinh làm quen với học và thi trên điện thoại tại TPHCM. Ảnh: Phan Nga
Học sinh làm quen với học và thi trên điện thoại tại TPHCM. Ảnh: Phan Nga

Cụ thể, nếu như trước đây, Điều lệ ban hành kèm Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT quy định một trong những hành vi học sinh không được làm là “sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học”, thì nội dung này được thay đổi tại Điều lệ ban hành kèm Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT là “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Quy định mới của Bộ GD&ĐT liên quan đến việc sử dụng điện thoại của học sinh trong trường học những ngày qua nhận được khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Trong lúc đông đảo học sinh, giáo viên ủng hộ đổi mới, bày tỏ sự vui mừng thì cũng có thầy cô, phụ huynh lo ngại về khả năng kiểm soát, việc lạm dụng điện thoại gây ảnh hưởng đến quá trình học tập của con em.

Thực tế cho thấy, từ Thông tư 12 đến Thông tư 32 là khoảng thời gian gần 10 năm, bối cảnh xã hội thay đổi do công nghệ có những bước phát triển vũ bão. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học từ những bước đi dò dẫm ban đầu nay trở thành hoạt động không thể thiếu trong nhà trường. Nhiều mô hình ứng dụng smartphone trong dạy học hiệu quả được chứng minh ở cấp học phổ thông tại Sóc Trăng (Học tiếng Anh với smartphone), TPHCM (kiểm tra giữa kỳ)… Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM) cho biết, việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học còn giúp củng cố và luyện tập, làm bài trở nên dễ dàng cho cả thầy và trò. Thay vì giáo viên phải soạn, in đề, phát ra, thu vào, chấm bài, nhập điểm thì điện thoại có thể tích hợp phần mềm trắc nghiệm. Thầy cô chỉ việc soạn trước câu hỏi, lưu lại sau đó cho học sinh truy cập link, làm bài và nhận điểm số ngay.

Năm học 2019 - 2020, Trường THPT Trần Hữu Trang đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại smartphone trong một số tiết kiểm tra. Ảnh: IT
Năm học 2019 - 2020, Trường THPT Trần Hữu Trang đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại smartphone trong một số tiết kiểm tra. Ảnh: IT

Đặc biệt, học kỳ II năm học vừa qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục đã triển khai rộng khắp việc dạy học trực tuyến và tới đây sẽ chính thức hóa mô hình dạy học này trong nhà trường, thì câu chuyện chiếc điện thoại vào học đường cùng học sinh không phải quá đường đột. Bởi khi đã dạy học qua Internet thì phải có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và công cụ khác. Mặt khác, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, phương pháp giáo dục sẽ thay đổi từ việc giáo viên cung cấp, truyền thụ kiến thức sang việc giáo viên dạy học sinh cách học. Việc tổ chức cho học sinh học tập,  ứng dụng công nghệ thông tin và nguồn tài nguyên số để phát triển phẩm chất, năng lực, đặc biệt là năng lực tự chủ và tự học là xu hướng tất yếu. Xu hướng này đã và đang được học đường nhiều nước tiên tiến áp dụng.

Lo ngại khó kiểm soát việc học sinh dùng điện thoại ngoài nhiệm vụ học tập giáo viên giao là một thực tế có thật. Bởi bên cạnh đa số học sinh nghiêm túc thực hiện kỷ luật của nhà trường vẫn có một số em sẽ dùng điện thoại vào mục đích giải trí vô bổ, tiếp cận thông tin xấu, thậm chí quay phim, ghi âm không được phép. Tuy nhiên, không thể cứ vì khó quản mà cấm để rồi lạc hậu trước xu thế chung. 

Để điện thoại cùng học sinh đến trường đúng mục đích, quy định, góp phần dạy học hiệu quả, quan trọng nhất, các trường phải xây dựng được nội quy, quy chế liên quan đến việc học tập bằng điện thoại, an toàn thông tin, đồng thời chỉ dẫn học sinh biết cách sử dụng smartphone phục vụ cho việc học. Khi giáo viên được giao quyền quyết định việc học sinh có được dùng điện thoại trên lớp hay không, phụ thuộc vào từng tiết học, nhu cầu của môn học, đồng thời phát huy tốt nhất trách nhiệm của mình, thì không có lý gì phải sợ học sinh trung học mang điện thoại thông minh vào trường học.     

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.