Sao bố mẹ lại không cưới nhau?

Con trai tôi rơi vào trạng thái hoảng sợ bởi việc bố mẹ không thật sự muốn sống cùng nhau đến cuối đời.

Sao bố mẹ lại không cưới nhau?
Tôi và anh gặp nhau khi cả hai đang du học ở Pháp. Hai đứa hợp nhau bởi tư tưởng sống hiện đại. Tình yêu nảy nở, chúng tôi dọn về sống chung với nhau, thông báo với hai bên gia đình về chuyện tình cảm của hai đứa. Ở trong nước, bố mẹ tôi thông báo với họ hàng lúc nào chúng tôi về nước sẽ làm đám cưới cho đúng thủ tục. Do thời gian về nước không hẹn trước, cộng thêm việc không xem nặng các thủ tục ấy nên chúng tôi có con chung rồi mà đám cưới vẫn chưa tổ chức. 
Sau 8 năm sống ở Pháp, chúng tôi trở về nước làm việc. Vợ chồng tôi mua nhà sống riêng, là gia đình hạnh phúc viên mãn. Duy chỉ có điều chúng tôi vẫn chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới như mong muốn của hai bên gia đình. Bố mẹ anh vẫn nhiều lần khuyên chúng tôi nên nhanh chóng làm thủ tục đăng ký kết hôn để chuyển đổi hộ khẩu cho cháu đích tôn về bên nhà nội. Tôi thì cho rằng chỉ cần chúng tôi hạnh phúc, thương yêu nhau là đủ. Chuyện hộ khẩu của con trai tôi ở bên nội hay bên ngoại cũng không ảnh hưởng gì mấy. Ngoài ra, chuyện hôn nhân của chị gái đã khiến cho tôi suy nghĩ nhiều về việc ràng buộc pháp lý với một người đàn ông trong cuộc sống.
Chị tôi từng có hôn nhân hợp pháp, nhưng cuộc hôn nhân đó không hạnh phúc. Chị bị chồng bạo lực tinh thần lẫn thể xác, và phải mất đến hơn 10 năm mới giải thoát được khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh đó. Tất cả cũng đều do chị bị trói buộc bởi thủ tục pháp lý: chồng không chịu ký đơn ly hôn, khi anh ta chịu ký thì lại vướng thủ tục chia tài sản, thủ tục quyền nuôi con... Do vậy, tôi luôn bị ám ảnh và xác định sau này nếu gắn bó với một người đàn ông nào đó thì không đăng ký kết hôn. Chúng tôi sẽ sống chung như vợ chồng bình thường, cùng có trách nhiệm với gia đình hai bên, con cái, nếu có sự cố xảy ra, tôi sẽ dễ dàng rời đi để tránh bị tổn thương cho bản thân lẫn con cái. May mắn cho tôi là anh cũng có chung quan điểm đó nên gia đình nhỏ của tôi vẫn hạnh phúc dù chẳng danh chính ngôn thuận về mặt pháp lý.
Tổ ấm của chúng tôi thời gian đầu mới về nước rất hạnh phúc. Cả tôi và anh đều được mời vào làm ở hai công ty nước ngoài, thu nhập tốt. Chuyện kinh tế trong gia đình, chúng tôi thống nhất cùng bỏ ra một khoản để lo cho gia đình, nuôi con và đối nội đối ngoại. Số còn lại, tôi và anh giữ riêng để tiện chi tiêu cho cá nhân mỗi người. Việc ấy khiến chúng tôi sống với nhau thoải mái, tránh được vợ chồng mâu thuẫn vì chuyện có quỹ đen riêng. 
Tuy nhiên, bố mẹ anh vẫn luôn phản đối chuyện chúng tôi không đăng ký kết hôn. Họ cho rằng, tôi làm như thế là không muốn gắn bó trọn đời với gia đình chồng, sống theo kiểu sướng thì ở mà hoạn nạn sẽ bỏ đi... Rồi, gia đình chồng tôi cùng nhau kéo con trai tôi vào cuộc, họ nói rằng bố mẹ cháu không thật sự muốn chung sống với nhau đến hết đời nên không chịu cưới nhau giống như các cặp vợ chồng bình thường. Rằng, chỉ cần bố mẹ cháu cãi nhau là có thể bỏ nhau luôn, bởi không có gì níu giữ họ... Cứ như thế, con trai tôi rơi vào trạng thái hoảng sợ bởi việc bố mẹ không thật sự muốn sống cùng nhau đến cuối đời. 
Chuyện trẻ con thành chuyện người lớn khi con trai tôi rơi vào trạng thái bị trầm cảm. Một cuộc họp gia đình được bố mẹ chồng tôi chủ trì. Bố mẹ chồng tôi phân tích ý nghĩa của việc đăng ký kết hôn, cưới hỏi của hôn nhân hợp pháp. Ông bảo dù chúng tôi sống theo tư tưởng hiện đại đến đâu, dù mỗi người có một lý do cá nhân riêng thế nào thì khi quyết định sống chung với nhau, việc cưới hỏi và làm thủ tục đăng ký kết hôn là cần thiết. Ngoài việc nó có ý nghĩa đánh dấu mốc cho cuộc sống chung của chúng tôi, đó còn là sợi dây pháp lý về quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Tại sao chúng tôi chỉ vì nguyện vọng cá nhân để con trẻ phải ảnh hưởng. 
Tôi và anh đã chấm dứt cuộc sống chung không hợp pháp sau buổi họp gia đình ấy. Cả hai đã thật sự hiểu ra rằng không phải cứ sống theo cảm nhận của mình là đủ mà còn phải có trách nhiệm với nhau và với con nhiều hơn nữa. Hôn nhân hợp pháp sẽ luôn nhắc nhở chúng tôi trách nhiệm và nghĩa vụ với nhau và với con cái hơn. Nếu có khó khăn, trắc trở, chúng tôi phải thay đổi để hòa hợp lại, giữ vững mái ấm của mình thay vì dễ dàng bỏ đi.
Theo Phụ nữ thủ đô

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ