Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội: Bất chấp để nổi tiếng

GD&TĐ - Kỷ nguyên công nghệ 4.0 đã mở ra công việc sáng tạo nội dung đem lại cho các bạn trẻ những cơ hội nổi tiếng và mức thu nhập đáng ngưỡng mộ.

Chủ kênh YouTube Thơ Nguyễn (thứ 2 bên trái) làm việc với cơ quan chức năng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan.
Chủ kênh YouTube Thơ Nguyễn (thứ 2 bên trái) làm việc với cơ quan chức năng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan.

Chính vì vậy, không ít tài khoản để thu hút tương tác đã đăng tải những nội dung phản cảm, bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác.

“Nổi tiếng” nhờ “tai tiếng”?

Không thể phủ nhận môi trường không gian mạng hiện nay là nơi dễ dàng tạo “cú hích” đưa tên tuổi của nhiều người một bước trở thành “ngôi sao mạng”. Việc sở hữu một kênh mạng xã hội với nhiều lượt theo dõi và lượng tương tác cao không chỉ góp phần giúp chủ tài khoản thuận lợi trong việc kiếm được nhiều tiền mà còn có được sự ngưỡng mộ của cư dân mạng. Vậy nên cuộc đua “câu” lượt tương tác đang ngày càng trở nên khốc liệt, bất chấp việc đưa những nội dung sai lệch, xấu xí gây ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.

Thực tế đáng buồn đang hiển hiện, một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội hiện nay đã sử dụng “đường tắt” là đăng nội dung độc hại để gây tò mò, bức xúc nhằm thu hút người xem và tăng tương tác cho tài khoản của mình.

Mới đây vào đầu tháng 1/2024, TikToker Hứa Quốc Anh đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân. Trước đó vào tháng 11/2023, Quốc Anh đã đăng tải video có nội dung mô tả buổi chụp ảnh tại đền thờ Angkor Wat (Campuchia) kèm bài hát Hello Thái Lan, cùng hình ảnh quốc kỳ và ảnh quốc vương Thái Lan.

Đáng nói, Quốc Anh cho biết mình đã được nhắc nhở về việc không được mặc trang phục Thái Lan để chụp ảnh trong đền. Mặc dù thế, Quốc Anh và một phụ nữ khác vẫn phớt lờ lời nhắc nhở. Sau sự việc trên, tài khoản của người này với hơn 700.000 lượt theo dõi cũng bị TikTok khoá vĩnh viễn. Sau đó, Quốc Anh đã lập một tài khoản mới để lên tiếng xin lỗi.

Sự việc một tài khoản TikTok có tên Nờ Ô Nô đi làm từ thiện, cụ thể là mua đồ ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn đã gây nhiều tranh cãi, nhận “gạch đá” vào thời điểm cuối năm 2022. Đây lẽ ra là một hành động đẹp và không có gì đáng chê trách, tuy nhiên thái độ cợt nhả, lời nói thiếu tôn trọng người lớn tuổi trong video của chủ tài khoản này lại gây khó hiểu và phẫn nộ cho đông đảo người xem.

Cụ thể khi gặp một bà cụ, Nờ Ô Nô nói “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa”, “Bớt nghèo lại đi nha, không ai rảnh mà giúp hoài đâu”… Sau đó, TikTok đã thẳng tay xoá vĩnh viễn tài khoản của bạn trẻ này tới hai lần.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Mạng “ảo”, hệ lụy thật

Tình trạng này trong thực tế không phải là hiện tượng mới mà đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, những năm gần đây sự việc này đang trở nên nóng hơn bao giờ hết do sự phát triển mạnh mẽ của những ứng dụng trên không gian mạng, thêm vào đó là số lượng trẻ em sử dụng mạng xã hội đang ngày càng nhiều hơn.

Chị Phạm Thị Ngọc Lan (35 tuổi, Hà Nội) bức xúc cho biết việc con gái mình trước đây thường xuyên xem một tài khoản YouTube mang tên Thơ Nguyễn. Trong một lần tình cờ, chị phát hiện ra con gái 8 tuổi của mình đang xem nội dung “xin vía” học giỏi từ một con búp bê Kumanthong (một loại búp bê Thái Lan).

“Chuyện cách đây đã lâu nhưng tôi vẫn nhớ mãi. Con tôi nằng nặc cho rằng không cần phải đi học thêm, cũng không phải làm bài tập về nhà mà chỉ cần mua nước ngọt cho búp bê uống là nó sẽ phù hộ cho con học giỏi. Sau đó tôi đã phải có biện pháp kịp thời răn đe, giáo dục đối với con trẻ. Những nội dung này có thể gây ảnh hưởng, làm sai lệch nhận thức của trẻ nhỏ. Trước đó đã có lần tôi cấm cháu xem kênh YouTube này vì thấy toàn bày cho mấy đứa trẻ con làm trò vô bổ”, chị Lan bức xúc nói.

Theo ghi nhận sau đó, qua quá trình xác minh và làm việc, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã xử phạt tài khoản YouTube Thơ Nguyễn số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi chia sẻ thông tin mê tín dị đoan.

Anh Hồ Trung Kiên (39 tuổi, Hải Dương) chia sẻ, anh đã cấm con trai học lớp 5 sử dụng điện thoại do phát hiện con mình thường xuyên xem các clip với nội dung nhún nhảy, khoe các bộ phận cơ thể nhạy cảm trên nền tảng TikTok với mục đích bán đồ lót, đồ ngủ. Anh cho rằng việc các cháu còn quá nhỏ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng xấu, lệch lạc tâm lý và lối sống nếu như xem các nội dung phản cảm không được kiểm duyệt kỹ càng như vậy. Đáng nói, vì nhiều lí do, những nội dung này vẫn xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát ở trên mạng xã hội.

Đánh giá vấn đề này, có thể thấy những nội dung nhảm nhí, phản cảm cần phải bị lên án, phê phán một cách quyết liệt và nghiêm khắc. Trên thực tế, việc sáng tạo nội dung mang tính sáng tạo nhằm thu hút người xem là không sai, thế nhưng việc bất chấp chuẩn mực đạo đức để “câu” tương tác là không thể chấp nhận được.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau: Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân qua mạng xã hội; Cung cấp chia sẻ thông tin cổ suý mê tín dị đoan, dâm ô đồi trụy không phù hợp thuần phong mỹ tục; Cung cấp chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội,…

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng thường xuyên ban hành các văn bản yêu cầu Sở TT&TT các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc lan truyền thông tin xấu, độc, tin sai sự thật. Đồng thời các cơ quan báo chí cần tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng các vụ việc, không lan truyền các thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ