“Mai sau lớn nên người/ Làm sao có thể nào quên...” - Lời bài hát “Bụi phấn” mà học sinh trình bày trong ngày khai giảng năm học mới bắt đầu và kết thúc một năm học hay ngày tri ân các thầy giáo, cô giáo 20/11 hàng năm sao lắng đọng trong quãng đời dạy học của tôi.
Lời ca và tiếng nhạc vang lên, lòng tôi mơn man những xúc cảm khi nghề của chúng tôi được nhạc sĩ ngợi ca và học sinh thể hiện. Có khi, tôi rưng rưng nước mắt rồi cố tình nhìn đi nơi khác tự an ủi mình, mặc cho tiếng nhạc và lời hát du dương vang trên sân khấu của ngày trọng đại.
Đúng là “làm sao có thể nào quên” trong thế hệ học trò đã và đang cắp sách đến trường mỗi năm. Ai cũng một thời là học sinh với bao nhiêu kỉ niệm buồn, vui dệt thành thơ, thành nhạc để vào đời mà chẳng bao giờ quên thầy cô đã “cho em bài học hay”.
Thời gian qua, vết cắt của mảnh ghép “Nghề bắc cầu kiều” của thầy cô nơi nào ấy chưa được hay làm cho mạng xã hội nhìn chúng tôi với ánh mắt xét nét, biểu cảm chưa thân thiện, ít nhiều sự nguyền rủa thiếu văn hóa làm nhói lòng thầy cô trong ngành Giáo dục - ngành mà dạy chữ đi đôi với dạy cách làm người.
Thương lắm chứ, làm sao cho roi, cho vọt, liếc nhìn rồi phạt học trò quỳ cho kiệt sức trước cửa lớp chỉ vì chuyện nhỏ nhen.
Ôi! Học trò thân yêu ơi! Dẫu biết rằng cuộc sống thị thành ngày nay diễn ra khá hơn thời xưa nhiều lắm! Ngôi trường xưa chỉ còn mảnh đất là sơ khai, những lớp học, sân chơi được trang bị thiết bị đắt tiền, ô cửa kính, rèm buông thời thượng.
Các em đón những cái mới để vào đời nhiều ước mơ vĩ đại nhưng vết cắt nơi cửa lớp 12D4, Trường Trung học Phổ thông Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội còn đó với thế hệ học trò 2k6. Rất mừng là em học sinh ấy vẫn vững tâm làm một điều kì diệu.
Em vô tư tung tăng cắp sách tới trường gặp thầy, gặp bạn, khắc ghi khoảnh khắc tốt đẹp, sự hiếu học của gia đình là nguồn động viên cho em bước những bước êm nhẹ nhất. Bỏ đi em, bỏ đi điều cỏn con đó để cho lòng cao thượng ở phía trước dài và đẹp. Em thật là một công dân phi thường lan tỏa tới nhiều người.
Hành vi ứng xử trong môi trường giáo dục, thầy giáo xưng “mày, tao” với học sinh trong giờ học sao nghe nhói trong tim của nhiều nhà Sư phạm! Cách cư xử, đùa giỡn của thầy và trò đã đi quá xa. Nó như một thứ hỗn độn lẫn trong cát bụi đường không ai màng tới.
Vết cắt ấy sao mà không phản cảm! Đau lắm, thầy giáo đã làm tổn thương học sinh trên bục giảng “Làm sao có thể nào quên” khi em bước vào đời. Giá như những tình huống trôi nhanh với thầy trong khoảnh khắc vài tích tắc thì hai chữ “mày - tao” ấy được thay thế bằng cụm từ khác sẽ khiêm nhường biết dường nào. Tiếc!
Thầy cô Trường THPT Kỳ Sơn (Nghệ An) đón học sinh ra khỏi vùng nguy hiểm do lũ ống, lũ quét. Ảnh: NVCC |
Buồn lắm, nhưng học sinh vẫn là cái tiêu để cho thầy cô khắp nơi trên cả nước thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Bão tố phong ba, lũ lụt đang gây hấn đồng bào miền Trung. Thầy cô và học sinh nơi đây đang phải oằn mình để đối phó với giặc thiên tai. Và ai cũng mong đừng có ngôi trường nào nơi miền quê gánh hai đầu Tổ quốc bị ngưng hoạt động, thiếu vắng tiếng cười vô tư của học sinh mỗi ngày, cùng nét dịu dàng trong tà áo dài thướt tha bước dịu dàng vào lớp của người mẹ hiền thứ hai.
Trong khó khăn, gian truân mới thấy thầy cô đã vượt qua hiểm nguy ấy như thế nào, ai ngợi ca những nhọc nhằn đêm ngày che chắn sách vở cho học sinh để mưa lũ qua đi cho các em được học?
Sao mạng xã hội không dùng những lời khen để động viên thầy cô nơi đây cho đáng giá ngàn vàng trong cơn hồng thủy mà lướt web, Facebook những clip chưa ai kiểm chứng tung lên xem để răn đe nghề dạy học rồi cho con trẻ xem rồi lại hỏi câu chán ngắt: “Cô mày có vậy không?” Khi trẻ thật thà trả lời một cách vô tư, hồn nhiên “Cô con không có!” thì phủ định như dao đâm, muối xát “Hổng dám đâu!” làm trẻ con mất niềm tin. Buồn!
Những bước chân chai, sần vượt núi, trèo non để đến với vùng cao nguyên đá Hà Giang, cõng con chữ nhọc nhằn đến với các em nhỏ chỉ quen ăn mèn mén chẳng dám nghĩ tới sữa ngon Milo, TH... quảng cáo trên truyền hình. Chúng vẫn cứng cỏi, rắn chắc, mộc mạc, tự nhiên, vẫn lớn lên và trưởng thành.
Cái nhìn ngây ngô khi bước ra khỏi mây ngàn, gió núi về phố thị qua đường phố mà rón rén đến thương. Và thầy cô nơi đây đến với các em như thế đáng ra phải được tôn vinh nhiều hơn thế nữa nhưng đồng lương chẳng bõ công lại còn sẻ chia cùng học sinh ăn miếng nghĩa, miếng tình, mặc chiếc áo ân tình phơi sương, ấm áp lòng nhân hậu giữa mùa Đông rét cắt thịt da…
Chỉ còn một năm học cho năm sau nữa thôi là các bậc học Phổ thông sẽ hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thầy cô khắp nơi sẽ chẳng bao giờ quên trong đời, học sinh học online, ngày khai giảng của một năm học mà học sinh không được gặp thầy trong lễ khai giảng rồi không được gặp bạn do dịch bệnh Covid–19 gây ra.
Bài hát “Bụi phấn” vẫn mãi theo suốt các em mỗi năm sang sông một chuyến bình yên. Và vết cắt chưa lành nhiều sự vụ trong ngành sẽ không trường tồn ở môi trường giáo dục.