Sáng chế khoa học: Sân chơi sáng tạo của sinh viên

GD&TĐ - Xuất phát từ các ý tưởng sáng tạo, nhiều SV đã sáng chế ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống. Đây cũng là những thay đổi bắt đầu từ vấn đề đào tạo lý thuyết gắn liền với thực hành tại các trường đại học.  

PGS.TS Trần Cao Đệ cùng các sinh viên tại không gian sáng chế. Ảnh: NVCC.
PGS.TS Trần Cao Đệ cùng các sinh viên tại không gian sáng chế. Ảnh: NVCC.

Đồng hành cùng sinh viên

PGS.TS Trần Cao Đệ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ và khởi nghiệp sinh viên Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Trung tâm khởi nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ ra đời ngay sau khi có

Đề án 1665 của Chính phủ với chủ trương hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Để khuyến khích SV, nhà trường tiến hành các hoạt động phổ biến tuyên truyền nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Cũng từ đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của SV đến gần hơn với thực tế, giúp các em bước đầu tập khởi nghiệp. Nếu trước đây, SV chủ yếu thực hiện đề tài mang tính chất nghiên cứu khoa học thì bây giờ họ đã tạo ra được mô hình hoặc sản phẩm mẫu trong thực tế”.

Theo PGS.TS Trần Cao Đệ, mục tiêu của Đề án 1665 nhằm hướng tới việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; đào tạo kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; đồng thời hỗ trợ các điều kiện bao gồm cơ sở vật chất, nguồn vốn cho SV.

Năm học 2018, môn học Khởi nghiệp được đưa vào giảng dạy trong nhà trường với vai trò là môn học tự chọn. Để định hướng, hỗ trợ cho SV, Trường ĐH Cần Thơ hướng tới vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin về xu hướng khoa học công nghệ cũng như những yêu cầu bức thiết của cuộc sống.

Từ đó SV có thể hình thành ý tưởng về con đường khởi nghiệp của mình. Những nghiên cứu bắt đầu từ sự chủ động của sinh viên và gắn liền với thực tiễn.

Tại Trường ĐH Cần Thơ, các hoạt động ngoại khóa được thực hiện thường niên với những kỹ năng gắn với thực tiễn. Hoạt động giúp cho SV trau dồi kiến thức giữa lý thuyết và thực hành để được trải nghiệm thực tế.

Khi tham gia những hoạt động này các SV rất hào hứng. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế Hoa Kỳ, trường đã xây dựng và khánh thành không gian sáng chế trị giá trên 5 tỷ đồng. Tại không gian này có rất nhiều máy móc hiện đại để SV có thể hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của mình.

Nhóm SV bên chiếc máy bán cà phê tự động. Ảnh: NVCC.
 Nhóm SV bên chiếc máy bán cà phê tự động. Ảnh: NVCC.

Sáng chế mang tính ứng dụng cao

Đến thăm không gian sáng chế tại Trường ĐH Cần Thơ, chúng tôi bắt gặp không khí làm việc say mê của khá đông SV.

Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo của nhóm mình về chiếc máy đóng gói các sản phẩm dạng hạt, Phạm Văn Thắng -  sinh viên năm thứ 4 Khoa Công nghệ của Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Ở nhiều tỉnh miền Tây, người dân có xu hướng phát triển hình thức kinh doanh hộ gia đình với các sản phẩm như: Bắp nổ, đậu nành đậu phộng rang, muối tôm, ớt bột...

Hiện nay, các sản phẩm này được đóng gói vào những túi ni-lông và được ép miệng lại để bán ra thị trường. Nhưng nếu làm thủ công hiệu suất không cao nên nhóm chúng em có ý tưởng làm mô hình có chức năng đóng gói những sản phẩm dạng hạt. Loại máy này sẽ giúp việc đóng gói nhanh chóng, tiện lợi hơn. Hiện tại, chúng em đã hoàn thiện mô hình này”.

Các SV trong nhóm sáng tạo cũng cho biết: Trong quá trình sáng chế, khó khăn chính của nhóm là làm sao lựa chọn được thiết kế tối ưu nhất cho mô hình và tìm vật tư để hoàn thiện sản phẩm. Sau khoảng 3 tháng, nhóm đã hoàn thành sáng chế. Đề tài đóng gói sản phẩm dạng hạt hoàn toàn có khả năng áp dụng vào thực tế và có thể thương mại hóa.

Hiện tại, sáng chế do nhóm thực hiện chỉ dừng lại ở mức độ mô hình đồ án môn học, nếu muốn áp dụng rộng rãi vẫn phải phát triển hơn về quy mô và độ ổn định.

Hào hứng với mô hình thiết kế máy bán cà phê tự động của mình, SV Nguyễn Nhật Hào (Khoa Công nghệ) tâm sự: Chúng em muốn đem lại sự tiện lợi cho SV khi mua hàng, cũng như tạo luồng gió mới cho máy bán hàng tại Việt Nam. Nhóm sinh viên trẻ này cho biết về cơ chế hoạt động của máy: Để sử dụng, trước đó người dùng phải đăng ký thành viên và sẽ được cấp 1 chiếc thẻ. Khách hàng quẹt thẻ và chọn đồ uống.

Trước đó, thẻ đã được nạp tiền, sau khi xác nhận chọn đồ uống sẽ trừ tiền dưới hình thức online trực tiếp trên thẻ. Khó khăn nhất trong quá trình sáng chế máy bán cà phê tự động, đó là phần lập trình gồm lập trình web và vi điều khiển. Bên cạnh đó cơ cấu cấp nước nóng của máy chưa thực sự tối ưu, nên trong quá trình sử dụng vẫn có hiện tượng rò rỉ nước. Hiện, chúng em tiếp tục khắc phục sự cố này.

Nhóm sinh viên Phan Thanh Tiến lại say sưa với mô hình về hệ thống phân loại chiết rót và đóng nắp chai tự động. Đề tài được thực hiện giúp nhóm tìm hiểu, học hỏi về các hệ thống chiết rót được ứng dụng thực tế trong môi trường công nghiệp. Được biết đề tài này liên quan đến môn học “Cơ cấu chấp hành” mà nhóm thực hiện làm đồ án.

Các sinh viên trong nhóm cho biết: Trong quá trình tìm hiểu ý tưởng, thực hiện phần cứng của mô hình cũng như khi lập trình cho hệ thống hoạt động, chúng em gặp nhiều vấn đề phát sinh ngoài dự kiến.

Tuy nhiên, sau 4 tháng nghiên cứu và bắt tay vào sáng chế, nhóm đã hoàn thiện được hệ thống này. Về ưu điểm, hệ thống hoạt động ổn định, năng suất tăng lên nhờ áp dụng 2 vòi bơm cùng lúc.

Tuy nhiên, máy chưa có hệ thống cấp chai tự động, trong quá trình hoạt động bộ phận cấp nắp chai hoạt động chưa tốt do độ nghiêng chưa đủ làm cho nắp trượt xuống không đều. Trong thời gian tiếp theo, nhóm sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế để hệ thống được vận hành hoàn thiện tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ