Sân trường tái hiện phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em'

GD&TĐ -Sáng 17/10, hơn 1.400 học sinh Trường TH Đặng Văn Bất, TP Thủ Đức tích cực hưởng ứng thông điệp từ phiên họp giả định Quốc hội trẻ em tháng 9 vừa qua

Học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Đặng Văn Bất nắm tay nhau tạo thành vòng tròn đoàn kết, ngăn ngừa bạo lực học đường.
Học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Đặng Văn Bất nắm tay nhau tạo thành vòng tròn đoàn kết, ngăn ngừa bạo lực học đường.

Những hiệu ứng tích cực lan tỏa trong trường học như trên thể hiện sự quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh (HS) của nhà trường. Hai “vấn đề nóng” từ các “đại biểu” Quốc hội trẻ em nêu ra: bạo lực học đường (BLHĐ) và thuốc lá điện tử (TLĐT), tệ nạn ma túy được 1.400 học sinh Trường Tiểu học Đặng Văn Bất thảo luận rất sôi nổi.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai

Xung phong phát biểu đầu tiên, em Võ Gia Khang, học lớp 5/3, Trường tiểu học (TH) Đặng Văn Bất mạnh dạn đề xuất: “TLĐT, chất gây nghiện hay bị kẻ xấu dùng nhiều thủ đoạn nhằm lôi kéo HS sử dụng. Đây là những cạm bẫy thường nhắm đến trẻ em. Trong khi nhiều bạn chưa hiểu biết nhiều về lĩnh vực này, chúng em rất muốn được nhà trường và các ban ngành chỉ dẫn thêm để phòng tránh”.

Còn nữ sinh Nguyễn Ngọc Tuyết Nhi, học lớp 4/8, nêu lên vấn đề đang được xã hội quan tâm: “BLHĐ đã được nhà trường và các ngành chức năng, quan tâm phòng ngừa bằng biện pháp tuyên truyền, giáo dục. Dẫu vậy, ở một vài nơi vẫn còn xảy ra gây nhiều hậu quả đau lòng. Chúng em rất mong cần được tiến hành thường xuyên hơn nữa”.

Chia sẻ của em Tuyết Nhi, nhận được rất nhiều sự đồng tình của các bạn nhỏ. Cũng từ đây, hàng chục ý kiến hưởng ứng được đưa ra, đi kèm với đó là các giải pháp phòng ngừa BLHĐ từ gốc. Chương trình “Cùng em vững bước. Xây dựng tình bạn đẹp, phòng chống BLHĐ”, do Hội Đồng đội TPHCM khởi xướng từ tháng 11/2023, cũng được các em viện dẫn, nhằm chứng minh cho suy nghĩ của mình.

san-truong-tai-hien-phien-hop-gia-dinh-quoc-hoi-tre-em2-4763.jpg

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Phước Thạnh, TP Thủ Đức tuyên truyền, phổ biến các quyền cơ bản của trẻ em trong một chuyên đề sinh hoạt dưới cờ.

Song song đó, nhiều tình huống phát sinh đột xuất trong quá trình cùng nhau học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí, cũng được các bạn nhỏ bàn luận. Đi đến thống nhất với phương châm: nhường nhịn, đề cao văn hóa ứng xử, duy trì tình bạn thân thiết, chan hòa. Chung tay gìn giữ, lan tỏa những điều tốt đẹp, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Phấn khởi nhất là các phụ huynh, ông Nguyễn Thanh Tùng, có con học tại trường này tâm sự: “Tôi cũng bất ngờ khi nghe phát biểu thẳng thắn của các em. Cũng trong sự kiện này, người lớn có dịp nhìn nhận lại, mỗi phụ huynh cần dành nhiều thời gian lắng nghe, nói chuyện với con cái nhiều hơn. Muốn giáo dục tốt trẻ em, trước hết phải chú ý nghe và hiểu các em”.

Cô Nguyễn Thị Mai Thu - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Văn Bất chia sẻ: “Chúng tôi tiến hành đều đặn các tiết học ngoại khóa, mang chủ đề chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Chú trọng lắng nghe tiếng nói của trẻ em. Nhờ vậy, đã nhận được rất nhiều ý kiến có giá trị, phản ánh cảm nhận từ thực tế của lứa tuổi học trò.”.

Trao đổi với phóng viên, cô Mai Thu bày tỏ mong muốn các bậc phụ huynh luôn phối hợp chặt chẽ với nhà trường hơn nữa, trong việc quản lý, giáo dục con em. Dạy các em biết nhường nhịn nhau, yêu thương đoàn kết với nhau như anh em trong một gia đình.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tìm hiểu để nhận biết các loại TLĐT. Thường xuyên tâm sự với con cái, khuyên bảo các em điều hay lẽ phải. Cũng là để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về tâm lý, hành vi của con em. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mối quan hệ phối hợp theo phương pháp “kiềng ba chân”, đó là Gia đình - Nhà trường - Xã hội luôn có vai trò quan trọng” - cô Mai Thu bộc bạch thêm.

san-truong-tai-hien-phien-hop-gia-dinh-quoc-hoi-tre-em1-5277.jpg

Tuyên truyền viên của Công an TP Thủ Đức dạy kỹ năng phòng chống, ngăn ngừa tác hại của ma túy cho học sinh.

Nhiều sáng kiến giáo dục đạo đức, nhân cách

Trong khi đó, Trường Tiểu học Phước Thạnh, TP Thủ Đức vừa “khánh thành” công trình cổ động An toàn giao thông (ATGT) bằng hình ảnh. Cô hiệu trưởng Lê Thị Kim Ngân giải thích cho sáng kiến trên như sau: “Những vách tường ở vị trí đầu dãy phòng học, được chúng tôi tận dụng vẽ thành các bức tranh kích thước lớn. Mỗi tranh mang nội dung tuyên truyền khác nhau. Nhờ vậy, hàng ngày trước khi các em học sinh vào lớp, đều được nhìn thấy những tác phẩm sinh động bằng hình ảnh này”.

Cũng theo cô Kim Ngân, tranh vẽ tập trung vào những hình ảnh đẹp về văn hóa giao thông. “Nhà trường muốn gửi gắm đến phụ huynh và HS về ý thức tự giác chấp hành pháp luật, bởi vì giữ gìn sự an toàn cho cộng đồng cũng chính là cho bản thân mình. Cha mẹ và con cái đều đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, không đi ngược chiều, không vượt đèn đỏ, người lớn hãy làm gương cho trẻ em…, là những nội dung chúng tôi chuyển tải đến người xem” - cô Kim Ngân cho biết thêm.

Dạo quanh khuôn viên trường Tiểu học Phước Thạnh, nhiều phụ huynh rất hài lòng khi được ngắm những tác phẩm hội họa, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Những bức tường trước đây cứ ngỡ vô tri vô giác, giờ đã được khoác “áo” mới và “biết nói” lên thông điệp nhân văn. Ngoài nội dung ATGT, còn có các bức vẽ mang chủ đề xây dựng trường học hạnh phúc, “Chúng em “nói không” với BLHĐ, TLĐT”.

Ông Nguyễn Xuân Phẩm có con học tại đây phấn khởi: “Chúng tôi rất yên tâm khi con em mình được học tập ở ngôi trường này. Không chỉ dạy kiến thức, các thầy cô còn chú trọng bảo vệ sự an toàn cho HS. Trang bị cho các em những kỹ năng “mềm”, văn hóa ứng xử góp phần giữ cho môi trường học đường luôn lành mạnh, trong sáng”.

san-truong-tai-hien-phien-hop-gia-dinh-quoc-hoi-tre-em3-1654.jpg

Học sinh Trường Tiểu học Phước Thạnh, TP Thủ Đức bên bức tranh tường phổ biến về luật giao thông và an toàn giao thông.

Cũng nhân dịp hoàn thành các bức vẽ mang tính giáo dục cao, ban giám hiệu trường này đã kết hợp phổ biến kiến thức ATGT, Luật trẻ em và những quyền cơ bản của trẻ em cho gần 1.700 HS. Là một trong những bạn nhỏ nhiệt tình tương tác, em Võ Hoàng Nhật Hạ, học lớp 5/6 vui mừng khoe: “Nhờ tiết học này chúng em đã biết được những quyền cơ bản của trẻ em. Nhiều bạn đã trả lời đúng câu hỏi tương đối khó: “Việt Nam là quốc gia thứ mấy ở châu Á và thứ mấy trên thế giới, phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em?”. Các thầy cô hướng dẫn đã dùng hình ảnh trực quan để chúng em dễ hình dung và tiếp thu bài giảng”.

Không giới hạn ở hình thức phổ biến trực tiếp, sau khi kết thúc các buổi sinh hoạt ngoài trời, các trường học đều tiến hành cho HS làm bài kiểm tra bằng những câu hỏi trắc nghiệm thú vị, bổ ích, giúp các bạn nhỏ có dịp ôn lại để nhớ lâu. Nhờ vậy, ấn tượng từ những giờ học kỹ năng sống đã đọng lại trong tâm hồn trẻ thơ, giúp các em vận dụng linh hoạt vào cuộc sống hàng ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.