Sinh động phương pháp giáo dục kiến thức, giảng dạy kỹ năng sống

GD&TĐ -Giảng dạy kỹ năng sống đi đôi với giáo dục nhân cách, tình cảm yêu thương giúp đỡ người kém may mắn,luôn được nhiều trường học chú trọng thực hiện.

Những đội đoạt giải trong cuộc thi Kiến thức giao thông do trường Hoa Sen, TP Thủ Đức tổ chức sáng ngày 23/9.
Những đội đoạt giải trong cuộc thi Kiến thức giao thông do trường Hoa Sen, TP Thủ Đức tổ chức sáng ngày 23/9.

Giúp học sinh hiểu sâu hơn về văn hóa giao thông

Sáng 23/9, tiết học đầu tiên của Trường THCS-THPT Hoa Sen (gọi tắt là trường Hoa Sen), TP Thủ Đức trở thành cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) khá thú vị.

Nét độc đáo của hội thi chính là phần thuyết trình được các thí sinh trình bày bằng “song ngữ”: Việt - Anh, cùng với nội dung ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Những đúc kết từ việc điều khiển phương tiện giao thông, cùng với một số hành vi không đúng luật, dễ dẫn đến tai nạn giao thông được các đội dự thi thể hiện khá sinh động. Các em có góc nhìn và nhận xét tinh tế rút ra từ thực tiễn.

Em Đỗ Thủy Tiên - học lớp 12A8, “thủ lĩnh” của đội đoạt giải nhất hào hứng kể: “Học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô, cha mẹ, chúng em chăm chỉ phối hợp tập luyện. Những ngày nghỉ cả đội cũng hẹn nhau ôn bài “online”. Hôm nay được giải cao nhất ai cũng rất hạnh phúc và tự hào”.

Được biết, trước đó một tuần, nhà trường đã tổ chức tiết học về văn hóa giao thông, làm cơ sở cho cuộc thi này. Chỉ có vài ngày để chuẩn bị, nhưng các đội dự thi đều cho thấy đã ôn luyện nghiêm túc và chất lượng.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Lê Văn Hồng - hiệu trưởng trường Hoa Sen cho biết: “Thông qua những hoạt động ngoại khóa, chúng tôi muốn học sinh nắm bắt được các kỹ năng mềm, đồng thời cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần lá lành đùm lá rách. Những chương trình mang ý nghĩa tương thân tương ái, luôn được đông đảo phụ huynh và học sinh đồng lòng ủng hộ”.

2.jpg
Học sinh Trường tiểu học Phong Phú, TP Thủ Đức góp quà tặng các bạn vùng bị bão lũ.

Phụ huynh chính là những người phấn khởi nhất, ông Nguyễn Thành Nhân - phó ban đại diện cha mẹ học sinh bộc bạch: “Con tôi may mắn được học ở trường này, các buổi học ngoại khóa đã giúp cháu tiếp thu rất nhanh và vận dụng linh hoạt vào thực tế. Cháu vừa biết giữ gìn sự an toàn cho bản thân, vừa sẵn sàng giúp đỡ người khác”.

Cùng thời gian, tại Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, hơn 1.200 học sinh cũng được đội CSGT - CATP Thủ Đức hướng dẫn kiến thức cơ bản, điều khiển xe máy điện, xe gắn máy dưới 50cc tham gia giao thông đúng quy định. Lời nhắc nhở của cán bộ hướng dẫn đã giúp các em ghi nhớ “đi nhanh không bằng đi an toàn”.

Cần mẫn gieo những "hạt mầm" nhân ái nơi học sinh

Bên cạnh đó, các trường học đều đã phát động phong trào quyên góp, hướng về đồng bào nơi đang phải khắc phục hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra. Và thật cảm động khi chỉ trong thời gian ngắn, kết quả thu được vượt quá dự kiến.

Trường THCS- THPT Hoa Sen số tiền do cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh ủng hộ lên đến 156,7 triệu đồng. Trường THCS Hiệp Phú góp được 84 triệu đồng. Trường tiểu học Phong Phú tiếp nhận được 58,2 triệu đồng. Trường tiểu học Phước Thạnh giáo viên và phụ huynh đóng góp 93,6 triệu đồng.

Cô Lê Thị Kim Ngân - hiệu trưởng trường này tâm sự: “Các thầy cô đều đã ủng hộ một ngày lương với ngành giáo dục, vẫn tiếp tục góp sức tại trường cùng với học sinh, gửi gắm ân tình đến các vùng vừa bị thiên tai”.

3.jpg
Trường mầm non Phong Phú, TP Thủ Đức thường xuyên giảng dạy về ATGT cho học sinh.

Tại những trường học khác, có nhiều học sinh xin phép cha mẹ mang “heo đất” đến “mổ” sớm hơn thường lệ. Dành hết tiền tiết kiệm bấy lâu nay, ủng hộ các bạn nơi bị bão lũ. Những tờ tiền được các em cẩn thận vuốt phẳng phiu, nâng niu gửi tặng bạn cùng trang lứa ở phương xa.

Đã có trường học hạnh phúc, giờ đây còn có thêm trường học nhân ái. Nhiều sáng kiến trong hoạt động giảng dạy, giáo dục nhân cách bắt đầu mang lại kết quả. Như “hạt giống tâm hồn” được gieo cấy cần mẫn hôm nay, hứa hẹn hình thành nên những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ