Nhìn chung, đội ngũ thực hiện chương trình mới từ năm học tới tương đối bảo đảm, trừ khó khăn chung nhiều địa phương gặp phải là thiếu GV Mỹ thuật, Âm nhạc.
Khó GV Âm nhạc, Mỹ thuật
Tại Trường THPT Yên Thế, Bắc Giang, gần 50 thầy cô được phân công để giảng dạy lớp 10 năm học 2022 - 2023, năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới bậc THPT. Đây là những GV được lựa chọn kỹ, bảo đảm cả tiêu chí chuyên môn, kinh nghiệm. Chia sẻ của Hiệu trưởng Hoàng Thị Hạnh, kế hoạch, dự kiến đội ngũ GV dạy lớp 10 sang năm được trường gửi sở GD&ĐT. Các GV này đang bồi dưỡng thường xuyên theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là đội ngũ được tiếp cận sớm nhất các bộ sách giáo khoa (SGK) mới lớp 10 để góp ý, cho ý kiến lựa chọn bộ sách sử dụng trong nhà trường.
Hiện tại, Trường THPT Yên Thế đáp ứng hầu hết yêu cầu nhân lực khi triển khai chương trình mới. Số GV dự kiến bố trí dư để trong thực tế nếu có biến động vẫn bảo đảm triển khai chương trình. Với môn học, hoạt động giáo dục mới như nội dung giáo dục địa phương, trường bố trí tối thiểu 3 thầy cô phụ trách, là GV bộ môn xã hội như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; Hoạt động trải nghiệm -hướng nghiệp huy động GV nhiều bộ môn và cán bộ đoàn cùng đảm nhiệm.
“Chúng tôi đã sẵn sàng, nhưng khó khăn nhất là chưa có GV Âm nhạc, Mỹ thuật. Giải pháp lâu dài, nhà trường đã xin sở GD&ĐT bố trí GV; còn trước mắt khi xây dựng tổ hợp các môn phù hợp với đội ngũ không có tổ hợp có môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Đây là môn học tự chọn, do đó nếu không bố trí được đội ngũ, có thể trường chưa triển khai ngay trong năm sau. Mặc dù vậy, nhà trường có câu lạc bộ nghệ thuật đang hoạt động tích cực, phần nào bổ khuyết hạn chế này” - cô Hoàng Thị Hạnh chia sẻ.
Tương tự, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ cũng có khó khăn liên quan đến GV dạy Mỹ thuật, Âm nhạc cho lớp 10. Theo thầy Hiệu trưởng Trịnh Nguyễn Thi Bằng, đáp ứng yêu cầu của chương trình, mỗi trường THPT cần ít nhất 1 GV Âm nhạc, 1 GV Mỹ thuật. Nhà trường đã báo cáo sở GD&ĐT để có kế hoạch tuyển dụng GV và dự phòng phương án hợp đồng thỉnh giảng GV 2 môn này. Tương tự, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) dự kiến danh sách gần 20 GV sẽ dạy lớp 10, cũng chưa có GV Âm nhạc, Mỹ thuật.
Dự kiến năm học 2022 - 2023, Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp sẽ tuyển sinh 6 lớp 10. Căn cứ vào đó, nhà trường dự kiến danh sách 26 GV được phân công dạy lớp 10 năm tới. Với lực lượng hiện có, ngoài môn Âm nhạc, Mỹ thuật, thông tin từ thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hân, tất cả đã sẵn sàng; có chuyên đề bồi dưỡng riêng dành cho các thầy cô nói trên. Với môn học mới như giáo dục địa phương, ngoài lồng ghép trong các bộ môn, trường sẽ giao cho GV Lịch sử phụ trách là chủ yếu. Nhà trường đã cử GV tham gia tập huấn các mô-đun của Bộ GD&ĐT để chuẩn bị triển khai Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp; sau đó bồi dưỡng lại cho các GV chủ nhiệm để cùng phụ trách hoạt động này.
Bày tỏ băn khoăn về đội ngũ dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, thầy Trần Văn Hân cho rằng: Dù đây là môn tự chọn nhưng nếu HS có nhu cầu nhà trường phải đáp ứng. Do đó, phương án hợp đồng GV được tính đến. Tuy nhiên về lâu dài, để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, cần chính sách để tạo nguồn tuyển và có chỉ tiêu biên chế cho đội ngũ này.
Sớm có giải pháp về đội ngũ
Dựa vào chỉ đạo của Sở GD&ĐT An Giang, các trường đã hoàn chỉnh dự kiến phân công GV giảng dạy lớp 10 năm học 2022 - 2023 theo Chương trình GDPT 2018. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh cho biết: Các trường cơ bản bảo đảm đủ GV giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục; cán bộ quản lý, GV (kể cả cơ sở giáo dục thường xuyên, ngoài công lập).
Thầy cô tham gia bồi dưỡng các mô-đun theo Chương trình GDPT 2018, hoàn thành và được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Bộ GD&DT; tham gia và hoàn thành các chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên do sở GD&ĐT phối hợp với các trường sư phạm tổ chức; được lãnh đạo tỉnh chấp thuận bổ sung biên chế để tuyển dụng mới theo định biên quy định.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, khó khăn của An Giang là còn thiếu GV các môn mới như Âm nhạc, Mỹ thuật. Chia sẻ giải pháp, theo ông Trần Tuấn Khanh, hằng năm ngành đều tổ chức rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, số lượng GV từng môn học làm cơ sở thuyên chuyển, điều động và đề xuất bổ sung biên chế tuyển dụng mới. Hiện, Sở GD&ĐT An Giang đã thống kê nhu cầu thực tế GV các môn mới làm cơ sở để đề xuất cấp có thẩm quyền trong công tác đào tạo, bồi dưỡng để từng bước bổ sung cho các trường trong thời gian tới.
Tại Đắk Lắk, hiện nay, GV các cấp học còn thiếu so với quy định; trong đó có thiếu GV các bộ môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Ngoại ngữ để thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại một số trường trên địa bàn. Để chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa cho hay:
Sở GD&ĐT chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, bảo đảm đủ GV cho từng môn học. Ưu tiên bố trí nguồn tài chính cho đào tạo, bồi dưỡng GV, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ tốt triển khai chương trình, SGK lớp 10. Tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương và triển khai SGK GDPT mới lớp 10, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, liên thông, thống nhất giữa các môn học.