Chủ trương này đang nhận được nhiều phản hồi từ các trường THCS lẫn THPT. Tại Quảng Ngãi, ngành Giáo dục cũng dự kiến điều chỉnh cấu trúc đề thi để phù hợp với quá trình dạy học.
Thay đổi hệ số điểm môn thi vào lớp 10
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Nghệ An những năm qua được tổ chức với 3 môn thi. Trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, môn còn lại do Sở GD&ĐT quyết định trước kỳ thi khoảng 2 tháng. Từ năm học 2018 - 2019, Nghệ An điều chỉnh môn thứ 3 thành bài thi tổ hợp gồm 3 môn thành phần. Trong đó có Ngoại ngữ và 1 môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN), 1 môn trong tổ Khoa học xã hội (KHXH) – được chọn theo hình thức bốc thăm.
Như vậy, tham gia kỳ thi này, thí sinh sẽ phải ôn 5 môn học. Sau hai năm triển khai, do dịch bệnh ảnh hưởng đến công tác dạy học, Nghệ An trở lại áp dụng 3 môn thi ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Trong những lần thi và điều chỉnh môn thi trên, 2 môn Toán và Ngữ văn được tính điểm hệ số 2 và môn còn lại được tính điểm số 1.
Tuy nhiên, mới đây, Sở GD&ĐT Nghệ An đã lấy ý kiến về việc điều chỉnh hệ số điểm thi vào lớp 10, cả 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ đều tính điểm hệ số 1. Cô Lê Anh Hoa – Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Xuân Hương (huyện Quỳnh Lưu) nêu ý kiến: Tôi đồng tình với chủ trương này bởi Thông tư 22 đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018 không phân biệt hệ số 2 hay hệ số 1. Bên cạnh đó, ngoại ngữ là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện để học sinh phát triển, hội nhập. Khó khăn nhất là đội ngũ giáo viên bởi giáo viên ngoại ngữ hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh và phụ huynh.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang – giáo viên môn Tiếng Anh - Trường THCS Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên cũng vui mừng nói: “Điểm môn Ngoại ngữ được xếp ngang với hai môn Toán và Ngữ văn cho thấy ngoại ngữ ngày càng được chú trọng. Điều này khiến giáo viên tiếng Anh rất phấn khởi, dù biết áp lực sẽ cao hơn. Từ nay đến khi kỳ thi diễn ra còn khoảng 5 tháng, tôi sẽ cố gắng tăng tiết ôn tập để giúp các em đạt kết quả tốt hơn”.
Qua thống kê, kết quả đợt khảo sát lấy ý kiến các đơn vị của Sở GD&ĐT Nghệ An có tỷ lệ đồng tình, ủng hộ khá cao. Ở khối phòng GD&ĐT, có 18/21 đơn vị đồng ý chiếm tỷ lệ 85,71%; có 289/500 trường THCS đồng ý chiếm tỷ lệ 72,25%. Ở khối THPT, có 85/90 trường trả lời và có 79 trường đồng ý với tỷ lệ 92,94%.
Một số đơn vị chưa đồng ý với việc thay đổi cách tính hệ số điểm môn thi, vì muốn có thêm thời gian chuẩn bị. Ông Phạm Tân Phương – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cho rằng: Đây là chủ trương đúng và phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, theo các đơn vị trên địa bàn, việc thay đổi này nên lùi thêm một vài năm nữa. Do việc dạy học ngoại ngữ ở những trường vùng cao, miền núi, học sinh dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và chưa thể nâng ngay chất lượng. Có những trường chỉ mong học sinh vượt qua điểm liệt trong môn Tiếng Anh ở các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học trước.
Theo ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, việc thay đổi hệ số điểm môn thi vào lớp 10 phù hợp với điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá học sinh của Bộ. Cụ thể, theo Thông tư 26 về đánh giá học sinh trung học, điểm 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là tiêu chí quan trọng để căn cứ xếp loại học sinh.
Theo đó, học sinh đạt loại giỏi, ngoài điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, thì 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ phải đạt tổng kết mức điểm này. Riêng đối với của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8 trở lên. Bên cạnh đó, thời lượng học môn Ngoại ngữ hiện nay ở các trường THPT đã được phân bổ bằng thời lượng hai môn Toán và Ngữ văn.
Điều chỉnh cấu trúc đề thi
HS khối 9 của Đà Nẵng có gần 3 tháng học theo hình thức trực tuyến. Từ cuối tháng 11, sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, HS khối 8 - 9 học trực tiếp tại trường. Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Cho đến nay, HS vẫn đến trường học trực tiếp nên kế hoạch tuyển sinh chưa có gì thay đổi. HS vẫn dự thi 3 môn Văn, Toán và Anh văn như những kỳ thi tuyển sinh trước đây”.
Sở GD&ĐT Quảng Ngãi dự kiến không thay đổi phương án của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết: “Trước đây, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Quảng Ngãi kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Hầu hết, những huyện miền núi áp dụng hình thức xét tuyển.
Các trường THPT ở đồng bằng thì tổ chức thi tuyển và lấy kết quả từ trên cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu”. Vì là kỳ thi có tính chất cạnh tranh nên vẫn phải tổ chức thi cho dù thời gian học trực tuyến của HS có thể kéo dài. Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, tùy vào kết quả của 2 bài kiểm tra định kỳ ở cuối học kỳ I và II, sở sẽ xây dựng đề kiểm tra với mức độ kiến thức phù hợp, có thể giảm bớt các câu hỏi khó nhưng vẫn đủ để phân hóa thí sinh.
Em Hoàng Quang Minh – HS lớp 9, Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) mong muốn: “Do có thời gian dài học trực tuyến, mức độ tập trung không thực sự tốt nên chúng em mong muốn đề thi của các môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới không đánh đố thí sinh. Em thích kiểu ra đề trao quyền lựa chọn cho HS như đề thi môn Ngữ văn năm học vừa rồi. Với dạng đề đó, chúng em sẽ có tâm thế thoải mái khi làm bài vì được chọn tác phẩm yêu thích hoặc phù hợp với mức độ học của mình để làm”.