Sẵn sàng thay đổi

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ trong thi, kiểm tra, đánh giá không chỉ là xu thế mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho người học.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi được coi là khâu đột phá khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với chủ trương này, Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi thực hiện theo lộ trình từ 2015 đến 2020, rút kinh nghiệm từng năm để hoàn thiện; tạo tiền đề cho đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau năm 2020; bảo đảm đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và tăng cường tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH; từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới. Qua 6 năm thực hiện ổn định với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo từng năm, Kỳ thi THPT quốc gia (năm 2020 là Kỳ thi tốt nghiệp THPT) đã đáp ứng yêu cầu thi cử gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh và xã hội. 

Trên nền tảng vững chắc đó, Bộ GD&ĐT chủ trương Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ ổn định như năm 2020. Tinh thần ổn định này sẽ tiếp tục ở những năm tiếp theo, cùng với việc tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ vào kiểm tra, đánh giá cho phù hợp; thí điểm, tiến tới mở rộng hình thức thi trên máy tính. 

Thi trên máy tính có lẽ là điểm mới đáng chú ý nhất trong lộ trình thi giai đoạn tới. Dù đây là xu thế chung, nhưng quan điểm của Bộ GD&ĐT là triển khai thận trọng theo một lộ trình khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, có sự chuẩn bị kỹ càng ở mọi điều kiện; bảo đảm quyền lợi cho thí sinh cả nước theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Các chuyên gia về kiểm tra, đánh giá cũng cho rằng, tính đến tổ chức thi trên máy tính là phù hợp; bởi trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh hỗ trợ về dạy học, công nghệ thông tin góp phần không nhỏ trong đổi mới các hoạt động kiểm tra đánh giá. Sự phát triển của lý thuyết đo lường, đánh giá và công nghệ thông tin đã thay đổi các phương thức đánh giá kết quả người học; từ kiểm tra đánh giá trên giấy bút, đến kiểm tra đánh giá trực tuyến; kiểm tra đánh giá trong lớp học đến đánh giá trên diện rộng; sử dụng các phần mềm đơn lẻ để hỗ trợ hoạt động kiểm tra đánh giá, đến tổ chức đánh giá trực tuyến; đánh giá kết quả học tập đến đánh giá năng lực người học…

Theo Bộ GD&ĐT, tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu, phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với tổ chức khảo thí độc lập của các nước trên thế giới như ETs, ACT... Hiện các tổ chức khảo thí độc lập uy tín đã chuyển nhiều bài thi từ hình thức thi trên giấy sang hình thức thi trên máy tính và có xu hướng chuyển sang thi trực tuyến. Hình thức thi trên máy tính, trực tuyến được nhận định mang lại nhiều lợi ích và ưu thế hơn so với thi trên giấy. Ưu điểm dễ thấy nhất là bảo đảm công khai, công bằng, minh bạch, giảm thiểu tối đa tiêu cực, do tổ chức và chấm thi đều được thực hiện trên máy tính, có sự độc lập cả về đề thi giữa các thí sinh tham gia dự thi. Bên cạnh đó, việc bảo quản đề thi dễ dàng, do đó câu hỏi thi có thể tái sử dụng được nhiều lần. Với mô hình thi trên máy tính, kỳ thi được tổ chức nhiều lần, do đó thí sinh có thể đăng ký dự thi liên tục nếu chưa đạt được kết quả mình mong muốn. 

Riêng Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi mới này. 

Tiền đề cho đổi mới đã có, nhưng sự chuẩn bị và sẵn sàng để thay đổi là vô cùng quan trọng. Có rất nhiều việc phải làm, từ ban hành quy định, quy chế; đến chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; đặc biệt là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn. Thi trên máy tính - yếu tố thành công sẽ cao hơn rất nhiều khi chúng ta triển khai trên nền tảng của sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ