Xu thế tất yếu
Đưa lý do cần thiết phải đổi mới chương trình, SGK, ông Trần Tuấn Khanh cho rằng: Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành bộc lộ một số hạn chế về nội dung và phương pháp giảng dạy; đặc biệt trước sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và của thế giới, sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đặt biệt là cuộc cách mạng 4.0.
Sự thay đổi này đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tế nhanh chóng và chính xác; biết nghiên cứu và giải quyết các phát sinh từ thực tiễn; biết làm việc theo nhóm, biết phân công phân việc; biết ngoại ngữ; biết sử dụng công nghệ thông tin trong học tập và làm việc.
Đối với học sinh, bên cạnh những kết quả đạt được trong học tập như: học tốt hơn, tiếp thu kiến thức nhanh, giải quyết những vấn đề khó một cách nhanh chóng và hiệu quả, biết sử dụng máy tính, điện thoại tốt hơn…; vẫn bộc lộ nhiều các khiếm khuyết như: khả năng giao tiếp, khả năng thuyết trình trước đám đông, khả năng hùng biện, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào giải thích một sự vật, một hiện tượng, khả năng làm việc nhóm, phân công nhiệm vụ, các kỹ năng sống, sự thích nghi với môi trường thay đổi… Những khiếm khuyết này đòi hỏi cần phải trang bị cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, việc truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò hiện nay không còn phù hợp với xu thế thời đại. Các kiến thức hàn lâm, các thủ thuật giải quyết về lý thuyết trong các môn học đã và đang có sự trợ giúp mạnh mẽ của internet,….
Phương pháp dạy học phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh, lấy học sinh là trung tâm của việc dạy và học đã và đang phát triển mạnh mẽ. Việc học tập trao đổi thông tin qua internet đã trợ giúp rất lớn trong công tác dạy và học. Những điều đó đòi hỏi hơn bao giờ hết mỗi thầy cô giáo phải thay đổi về phương pháp giảng dạy.
Ngoài ra, đổi mới phương pháp dạy học, chương trình SGK còn đi đôi với đổi mới trong kiểm tra đánh giá. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã và đang từng bước thay đổi trong kiểm tra đánh giá học sinh, không phủ nhận hết các cách kiểm tra đánh giá cũ, kịp thời bổ sung điều chỉnh, tận dụng các tiến bộ về khoa học của công tác kiểm tra đánh giá của thế giới, vận dụng một cách phù hợp vào điều kiện thực tế của đất nước, tâm sinh lý và tập quán của người Việt Nam một cách hài hòa và sự đồng thuận của xã hội..
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Khanh cũng lưu ý, đổi mới chương trình, SGK không chỉ đơn thuần là thay đổi chương trình, thay đổi sách học, thay đổi phương pháp giảng dạy, mà cốt lõi còn phải thay đổi là phương pháp quản lý dạy và học.
“Đội ngũ giáo viên tốt, chương trình giảng dạy hay nhưng cách quản lý không thay đổi, không tiếp cận, nhạy bén với cái mới của đội ngũ cán bộ quản lý chắc chắn kết quả của sự thay đổi sẽ không đạt hiệu quả tốt” – Phó Giám đốc sở GD&ĐT An Giang cho hay.
SGK mới tạo điều kiện tốt để giáo viên đổi mới phương pháp
Nhận định về các bộ SGK lớp 1 hiện hành được bộ GD&ĐT phê duyệt và triển khai giảng dạy từ năm học 2020-2021, ông Trần Tuấn Khanh cho rằng: Các bộ sách đều được tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK.
Các bộ SGK bảo đảm được khung kiến thức chung thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục.
Mỗi bài học trong SGK tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.
Ông Trần Tuấn Khanh ví dụ: SGK Toán chương trình lớp 1 cùng một nội dung cần đạt là là học sinh thực hiện được phép cộng trong phạm vi từ 1 đến 50, tuy nhiên mỗi bộ sách có cách tiếp cận phân chia khác nhau ( từ 1 đến 10, từ 10 đến 20, từ 20 đến 50 hoặc từ 1 đến 10 từ 10 đến 50), nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là những phẩm chất năng lực cần đạt cho mọi học sinh.
“SGK hiện tại tuy giá thành có cao, song sách được trình bày đẹp cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, hệ thống ký hiệu, biểu tượng, kiểu chữ, cỡ chữ. Tranh, ảnh, bảng biểu, đồ thị, bản đồ, hình vẽ trong SGK rõ ràng, chính xác, cập nhật, có tính thẩm mỹ, phù hợp với nội dung bài học, lứa tuổi học sinh và chỉ rõ nguồn trích dẫn.
Cấu trúc bài học trong SGK bao gồm các thành phần cơ bản gồm: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng. Tạo điều kiện cho giáo viên tích cực đổi mới phương dạy học nhằm đạt được mục tiêu đó là các phẩm chất và năng lực cần đạt ứng với mỗi khối lớp học” – ông Khanh đánh giá.