Nhà trường đang tiếp tục từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, thiết thực góp phần vào triển khai Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XI.
Ba nhà giáo của Trường vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và hai nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Đây không chỉ là sự tôn vinh của Đảng và Nhà nước đối với công lao đóng góp của các thầy, các cô mà còn là vinh dự, là niềm vui chung của Nhà trường.
Khẳng định Trường ĐHSP Hà Nội cần đóng góp nhiều hơn trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đất nước, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh đồng thời nhấn mạnh sứ mạng của Trường không đơn thuần là truyền đạt các chân lý có sẵn, mà cần tạo nên một tinh thần giáo dục mới cho người học.
Điều đó bắt nguồn từ giáo dục con người, con người phải là tâm điểm của công cuộc đổi mới giáo dục. Giáo dục phải đánh thức tiềm năng, tạo ra con người tự thân, tự chủ và khao khát hiểu biết, khao khát cống hiến chứ không đơn thuần chỉ biết thích nghi.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT và với tư cách là một cựu sinh viên chịu nhiều ơn nghĩa của Trường, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô vừa vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú; các sinh viên và chúc mừng những thành tích Trường ĐHSP Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển bền vững đội ngữ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng.
Nhiều chế độ, chính sách đã giúp nhà giáo cải thiện cuộc sống, yên tâm gắn bó với nghề.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Chuẩn nghề nghiệp giáo viên từng cấp học, làm căn cứ để các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra, xác định nội dung chương trình và đổi mới phương pháp đào tạo.
Năm nay là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT;
Trong đó cốt lõi là chuyển nhiệm vụ trọng tâm của nền giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, xây dựng hệ thống giáo dục mở đến mọi người dân có năng lực và điều kiện học tập suốt đời.
Sinh viên sư phạm phải có được trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, năng lực khoa học và năng lực giáo dục để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông tiếp cận phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh.
Nhận định hiện nay, các trường sư phạm đã bắt đầu khởi động quá trình tự đổi mới và chủ động tham gia, thúc đẩy đổi mới giáo dục phổ thông, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đề cập đến việc các trường sư phạm đang đứng trước mâu thuẫn giữa những yêu cầu mới về mục tiêu đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo với những khó khăn về đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất và quán tính cũ của mình.
Vẫn còn tình trạng giảng viên, cán bộ quản lý chưa hiểu đúng tinh thần của đổi mới, chưa nhận thức được tính cấp bách và những yêu cầu cụ thể của việc đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình, hình thức tổ chức và phương pháp đào tạo…
“Những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học công nghệ, của kinh tế tri thức đang đặt ra những yêu cầu phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các cơ sở đào tạo giáo viên trong cả nước.
Việc này phải bắt đầu từ người thầy, và bắt đầu từ các trường sư phạm.
Bộ GD&ĐT luôn quan tâm, ủng hộ những sáng kiến của Nhà trường và mong rằng trong thời gian tới những nhiệm vụ lớn đặt ra sẽ sớm trở thành hiện thực; Trường ĐHSP Hà Nội sẽ luôn xứng đáng là đơn vị đi đầu trong hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên của nước nhà.
Sinh viên của Trường ĐH SP Hà Nội sẽ luôn luôn là những giáo viên thuyết phục nhất của các trường phổ thông trong cả nước.” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chân tình chia sẻ.