Sẵn sàng để loại trừ sốt rét

GD&TĐ - Với hơn 40 tỉnh không có sốt rét lưu hành, Việt Nam đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về Phòng, chống sốt rét giai đoạn 2011 - 2020. Có được kết quả trên nhờ Việt Nam đã thay đổi cách tiếp cận từ kiểm soát sốt rét sang loại trừ sốt rét. 

Sẵn sàng để loại trừ sốt rét

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản trong quá trình hoàn thành mục tiêu loại trừ sốt rét, đó là sự xuất hiện của ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi truyền bệnh thay đổi tập tính, di biến động dân cư giữa vùng dịch bệnh lưu hành và vùng không có… đòi hỏi chúng ta có hướng tiếp cận khác với căn bệnh này.

Không phải ai cũng được hưởng lợi

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, năm 2016, 44 quốc gia có ít hơn 10.000 ca mắc, tăng 7 quốc gia so với năm 2010. Sốt rét đã được kiểm soát và loại trừ ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, không vì thế mà căn bệnh này hết… nguy hiểm.

Theo TS Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, trong năm 2016, đã có 216 triệu ca sốt rét ở 91 quốc gia, nhiều hơn 5 triệu ca so với năm 2015. Nói cách khác, sốt rét vẫn tiếp tục là nguyên nhân gây nhiều ca tử vong. Năm 2016, có 445.000 người đã tử vong vì sốt rét trên toàn cầu, so với ước tính 446.000 ca tử vong vào năm 2015.

Cũng theo TS Kidong Park, trẻ em dưới 5 tuổi đặc biệt nhạy cảm với sốt rét và chiếm tới 70% số ca sốt rét trên toàn cầu. Cứ mỗi 2 phút lại có một trẻ em tử vong vì căn bệnh này.

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Cho dù hàng năm không ghi nhận dịch sốt rét nhưng số ca mắc vẫn xuất hiện ở một số khu vực có dịch lưu hành, vẫn ghi nhận số ca tử vong vì bệnh trên. PGS. TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thừa nhận: Gánh nặng sốt rét vẫn còn ảnh hưởng đến một số khu vực và các nhóm dân cư nhất định ở các mức độ khác nhau.

Đặc biệt, lây truyền sốt rét chủ yếu tập trung ở những khu vực đồi, rừng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam. Trong số này, Bình Phước là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất trong cả nước với 1.352/4.548 ca sốt rét trong năm 2017. Điều này là do sự gia tăng lao động nhập cư là những người ít có tiếp cận với các cơ sở y tế, cũng như tỷ lệ kháng thuốc sốt rét cao trong khu vực.

Cho dù mỗi năm có hàng triệu người dân sống trong vùng dịch bệnh lưu hành được bảo vệ bằng các biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét (phun tồn lưu và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi) cộng với hàng chục ngàn bệnh nhân được cấp thuốc điều trị miễn phí nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp chứng tỏ còn nhiều người dân chưa được hưởng lợi từ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao nhất mắc bệnh sốt rét như cư dân sống trong rừng và bìa rừng và những người mới định cư ở rừng.

Sốt rét đa kháng thuốc: Mối lo ngại mới

TS Kidong Park cho biết: Thuốc chống sốt rét hiệu quả nhất hiện nay là artemisinin. Tuy nhiên, ngay cả loại thuốc được coi là đặc trị này cũng dần mất tác dụng với một số ca bệnh.

Kháng artemisinin được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2008 ở tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Đây thực sự là mối lo ngại đối với các nước trong khu vực bao gồm Campuchia, một số vùng của Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Trước thực trạng trên, các nước trong khu vực đã thay đổi chiến lược loại trừ sốt rét ở tiểu vùng sông Mê Kông với mục tiêu hướng đến loại trừ sốt rét đa kháng thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết. Từ năm 2008, Tổ chức Y tế thế giới đã hợp tác với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và các Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng khu vực tại Quy Nhơn và Thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi tình trạng kháng thuốc sốt rét và ngăn chặn kháng thuốc lây lan bằng các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng, bao gồm sự phân phối rộng rãi các tấm màn tẩm hóa chất diệt và chống muỗi có tác dụng lâu dài.

Tổ chức này cũng đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng kế hoạch quốc gia về ngăn chặn kháng artemisinin, phù hợp với các nguyên tắc hướng dẫn được đưa ra trong Kế hoạch toàn cầu về ngăn chặn kháng artemisinin năm 2011.

Với nhiều hoạt động phòng, chống sốt rét được triển khai lồng ghép, năm 2016, Việt Nam nằm trong số 44 quốc gia có ít hơn 10.000 ca sốt rét mỗi năm. Theo đánh giá của đại diện Tổ chức Y tế thế giới, đây là thành công đáng nghi nhận trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030, cần có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và các đối tác để huy động các nguồn lực và xác định các biện pháp mới để loại trừ sốt rét.

- Năm 2007, Đại hội đồng Y tế thế giới quyết định chọn ngày 25/4 hàng năm là Ngày thế giới phòng chống sốt rét. Chủ đề của Ngày thế giới phòng chống sốt rét có chủ đề “Sẵn sàng đánh bại sốt rét” nhằm nhấn mạnh đến như cầu tiếp tục đầu tư, duy trì thành tựu và hướng đến loại trừ sốt rét.

- 10 năm qua, số ca sốt rét ở Việt Nam giảm từ 11.000 ca xuống còn 4,5 ngàn ca (năm 2017). Cùng giai đoạn này, số ca tử vong cũng giảm 76%, từ 25 ca xuống còn 6 ca.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ