Sẵn sàng chuyển trạng thái

GD&TĐ - Tính đến nay, cả nước vẫn còn 25 tỉnh thành tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 16 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhiều địa phương từ đầu năm học đến nay, học sinh hoàn toàn học trực tuyến, chưa từng được một ngày đến trường học trực tiếp. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, thời gian mở cửa trường học chưa thể xác định, việc tổ chức kiểm tra lấy điểm giữa học kỳ I theo hình thức trực tuyến được không ít trường triển khai nhằm bảo đảm kế hoạch thời gian năm học.

Không còn lúng túng, bị động như năm học trước, hành lang pháp lý cho tổ chức kiểm tra trực tuyến năm nay đã sẵn sàng với Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, có hiệu lực thi hành từ 16/5/2021. Thông tư 09 quy định rõ: Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực. Đây là cơ sở để các nhà trường sớm chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá trực tuyến một cách bài bản; cũng như “lên dây cót” tinh thần cho học sinh để giảm thiểu tối đa lo lắng, bỡ ngỡ khi lần đầu thực hiện bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức này. Cách làm của nhiều trường là tổ chức cho học sinh thi thử ít nhất một lần, vừa để test hệ thống, vừa để rút kinh nghiệm, giúp học sinh làm quen, không lúng túng khi làm bài kiểm tra trực tuyến chính thức.

Kiểm tra, đánh giá bất kể theo hình thức nào đều phải bảo đảm nguyên tắc nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng cho tất cả học sinh; đánh giá đúng thực chất năng lực học sinh; thực hiện đúng quy định về kiểm tra đánh giá... cũng phải được đặt ra. Do đó, bên cạnh các vấn đề kĩ thuật, ra được đề kiểm tra phù hợp là vô cùng quan trọng. Nội dung đề kiểm tra cần có sự linh hoạt, tăng cường việc đánh giá khả năng sáng tạo, tư duy phân tích, hạn chế những nội dung học thuộc lòng.

Không kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu và những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm. Nội dung kiểm tra, thời lượng làm bài cũng cần được tính toán để phù hợp với thực tế dạy học của từng nhà trường. Trên thực tế, nhiều nhà trường đã lên được quy trình soạn ngân hàng câu hỏi, làm đề và tổ chức kiểm tra trực tuyến khá bài bản; từ đó có một ngân hàng câu hỏi đủ lớn, sẵn sàng kiểm tra định kỳ trực tuyến khi cần thiết.

Dù sao thì kiểm tra, đánh giá định kỳ trực tuyến cũng còn nhiều mới mẻ, việc triển khai thực hiện khó tránh khỏi còn có hạn chế, lúng túng; nhưng quan trọng nhất là nhận thức về quan điểm, cách tổ chức kiểm tra, đánh giá đã có thay đổi. Cũng giống như dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu trong kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường, để sẵn sàng chuyển đổi trạng thái một cách linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Cựu Tổng thư ký NATO có công việc mới

GD&TĐ -Cựu Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg sẽ là Chủ tịch Hội nghị An ninh Quốc tế Munich (MSC) kể từ năm tới.