Giáo dục huyện đảo: Ưu tiên hàng đầu
Tại tỉnh Khánh Hòa, thầy Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: Là địa phương có huyện đảo Trường Sa, do đó năm học 2018 - 2019, ngoài các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung quan tâm, chăm lo đến chất lượng giáo dục của huyện đảo. Hiện, Sở đã tổ chức tuyển dụng đủ giáo viên ra huyện đảo. Đó là những giáo viên có năng lực, nhiệt tình và tâm huyết với nghề. Sở cũng đã tập huấn cho giáo viên và đã đưa các giáo viên này ra Trường Sa sẵn sàng cho công tác dạy học - năm học 2018 - 2019.
Ngoài ra, Sở cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, sách, vở cho thầy - trò nơi huyện đảo. Đồng thời, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với giáo viên huyện đảo và hỗ trợ tích cực về mọi mặt cho đội ngũ giáo viên công tác ở Trường Sa. Theo kế hoạch, ngày 5/9/2018, học sinh trên huyện đảo Trường Sa sẽ đồng loạt khai giảng cùng với học sinh đất liền.
Cũng theo thầy Lê Tuấn Tứ, Sở đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án “Tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên huy động trẻ mầm non từ 12 - 36 tháng tuổi đến trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2020”. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó tăng cường công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học, bậc học. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án... và đầu tư có trọng điểm, đầu tư sâu cho các trường, lớp giáo dục mũi nhọn. Dự kiến đến năm 2020, tỉnh Khánh hòa sẽ thành lập mới 43 trường học gồm: 7 trường mầm non; 11 trường tiểu học; 20 trường THCS và 5 trường THPT.
“Năm học 2018 – 2019, chúng tôi tiếp tục tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường. Đồng thời xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Mặt khác sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo. Trong đó sẽ quan tâm, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh” – thầy Lê Tuấn Tứ nhấn mạnh.
Trước thềm năm học 2018 – 2019, các địa phương đều tăng cường đầu tư cơ sở vật chất về trường, lớp |
Chú trọng đổi mới chương trình giáo dục
Còn tại tỉnh Tiền Giang, thầy Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: Năm học 2018 - 2019, Sở GD&ĐT xác định thực hiện tốt 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp của ngành Giáo dục. “Chúng tôi sẽ chú trọng đổi mới chương trình giáo dục từ mầm non cho đến THPT. Theo đó, chúng tôi đã và đang hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non phát triển chương trình giáo dục phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, của nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ” - thầy Nguyễn Hồng Oanh trao đổi.
Nhấn mạnh việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm học 2018 - 2019, thầy Nguyễn Hồng Oanh cho biết: Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục bố trí đủ số lượng giáo viên và chuẩn bị về cơ sở vật chất. Đặc biệt, yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh là trung tâm và tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặt khác, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm phát triển toàn diện cho học sinh và cũng là để bắt nhịp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành ở các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và cơ sở giáo dục. Cụ thể, tăng cường sử dụng sổ điện tử trong nhà trường, tập trung xây dựng và khai thác sử dụng có hiệu quả kho bài giảng e-learning, kho học liệu số của ngành phục vụ nhu cầu tự học và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học. Đồng thời triển khai mô hình giáo dục điện tử và thiết kế xây dựng lớp học thông minh, trường học thông minh” –thầy Oanh nhấn mạnh.
Thầy Oanh cho biết, hiện 100% trường mầm non có nối mạng Internet, 173/173 đơn vị phường, xã, thị trấn ứng dụng phần mềm phổ cập giáo dục mầm non trong công tác phổ cập, kiểm định chất lượng; tất cả các cán bộ quản lý và giáo viên đều ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý như: Cập nhật qua các website, hộp thư điện tử…. Giáo viên hiện thành thạo soạn giáo án, thiết kế giáo án điện tử…
Năm học 2018 – 2019, ngành Giáo dục Phú Thọ đã tăng cường cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết cho học tập và giảng dạy. Hiện toàn tỉnh đạt 88,6% phòng học kiên cố; trong đó khối mầm non là 81,5%; tiểu học là 88,2%; THCS là 95%; THPT là 98,1%.
Cùng với đó, rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô trường lớp một cách hợp lý, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục ở các cơ sở. Theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã giảm được 3 trường và trung tâm, xóa 45 điểm lẻ, giảm 114 chỉ tiêu biên chế thành lập mới 1 trường phổ thông liên cấp, 1 trường tiểu học theo loại hình tư thục.
Thầy Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT - cho hay: Từ nay đến năm 2021, tỉnh Phú Thọ dự kiến giảm trên 92 đầu mối trường công lập so với hiện nay, giảm 1.598 biên chế, giảm nhu cầu bố trí sử dụng 307 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.