Mới đây, câu chuyện về người phụ nữ qua đời vì tai biến sản khoa khi cố sinh con trai “nối dõi” cho nhà chồng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Cụ thể, theo người chồng (cũng chính là người đăng tải bài viết), vợ chồng anh lấy nhau đã 10 năm và sinh được 2 đứa con gái (đều sinh mổ). Mặc dù không muốn vợ sinh con thứ 3 vì sợ nguy hiểm nhưng người chồng là con độc đinh duy nhất của dòng họ, đồng thời cũng là con trai trưởng nên gia đình rất áp lực về chuyện sinh con trai.
“Vợ chồng tôi lấy nhau 10 năm rồi. Tôi là đứa con độc đinh duy nhất của dòng họ. Con trai trưởng nên áp lực sinh con trai lớn lắm dù không khá giả gì. 2 đứa đầu đều con gái lại sinh mổ, tôi cũng không muốn sinh con thứ 3 vì sợ nguy hiểm tính mạng vợ”, người chồng chia sẻ.
Dù biết sẽ nguy hiểm đến tính mạng nhưng người vợ vẫn quyết định sinh thêm đứa nữa, canh để lấy con trai. Mong ước cuối cùng cũng thành hiện thực, người vợ mang bầu con trai, cả nhà ai cũng đều vui mừng. Kể từ ngày vợ mang bầu, do gia đình chẳng khá giả gì nên hai vợ chồng phải gửi một con về cho ông bà ở quê chăm sóc giúp. Mỗi ngày đều cố gắng làm kiếm tiền lo cho con cái, chẳng dám sắm sửa gì.
“Nhưng rồi vợ tôi đi soi trứng và quyết định sinh đứa nữa, canh con trai. Và lần này vợ tôi bầu con trai thật. Cả nhà tôi mừng lắm. Khó khăn áp lực con cái học hành cộng khoản tiền canh trứng con trai khiến cơm áo gạo tiền cứ ngày một nặng lên. Chúng tôi đành gửi một cháu về quê học. Vợ chồng đi làm tích góp gửi tiền về quê cho ông bà chăm giúp, chẳng dám sắm thứ gì”, người chồng kể lại.
Người chồng vẫn giữ nguyên mọi thứ của vợ suốt 2 năm qua. Ảnh: FB
Ngày sinh cũng đã đến, lần này, vợ chồng anh chọn sinh mổ sớm hơn dự tính. Cùng với niềm hân hoan đón con trai yêu quý chào đời thì câu nói “đợi em nhé” trước lúc vào phỏng mổ của vợ lại khiến lòng người chồng cảm thấy bất an đến lạ. Giông bão ập đến, vợ anh bị tai biến sản khoa, dù được chuyển lên bệnh viện trung uơng cấp cứu luôn nhưng đã không qua khỏi.
“Đến ngày gần sinh vợ tôi vẫn bình thường, sức khoẻ tốt. Cả gia đình hân hoan đón con chào đời. Hôm đó là ngày bọn tôi chọn sinh mổ sớm hơn dự tính. Vợ tôi trước khi vào phòng vẫn cười nắm tay tôi và nói "đợi em nhé" nhưng trong lòng tôi tự nhiên bất an vô cùng. Vẫn là tiếng người và âm thanh bệnh viện như mọi khi. Rồi lúc sau là dồn dập những âm thanh khác nữa. Vợ tôi bị tai biến sản khoa.”, trích bài chia sẻ.
Ôm đứa con trai đỏ hỏn trên tay cùng với hai đứa con gái bé nhỏ nhìn vợ lần cuối mà lòng người chồng đau như cắt. Vậy là từ nay anh sẽ chẳng còn được nghe tiếng gọi “chồng ơi” mỗi ngày, và con của anh cũng sẽ chẳng còn được bàn tay người mẹ chăm sóc, vỗ về nữa rồi. Gia đình thiếu đi một mảnh ghép, mãi mãi không thể nào trọn vẹn.
Biến cố bất ngờ khiến người chồng thất thần, mất ngủ mấy tháng liền. Anh vẫn chẳng thể nào tin nổi người vợ gắn bó với mình cả thập kỷ qua đã không còn trên thế gian này nữa. Anh vẫn nhớ như in hình bóng của vợ “gầy gò nằm đó”, lòng xót xa vô cùng.
“Tôi vẫn nhớ như in hình bóng của vợ tôi, nhớ những thức ăn vợ nhịn ăn ở công ty phần về cho con nhỏ, nhớ vợ nhịn mặc cả năm có mấy bộ quần áo cũ cũng chẳng dám mua. Tôi xót vợ lắm. Vợ tôi mất chẳng kịp nói câu nào. Tôi nén lòng mua cho cô ấy bộ váy cô ấy thích. Tự tay tắm rửa, thay cho vợ tôi.”
Sau khi vợ mất, người chồng vẫn giữ nguyên mọi thứ từ đồ đạc, quần áo của vợ. Đến khi con trai tròn 2 tuổi, anh mới quyết định thu dọn quần áo của vợ mang đi. Người đã ra đi nhưng nỗi đau, sự day dứt và ân hận vẫn còn mãi với những người đã ở lại…Có thể, cho đến sau này người chồng cũng sẽ chẳng nào quên được!